Bà Ba tiễn con miu

23/01/2024 14:13
162

LÊ THỊ TÂM THU


-Thím Ba ơi, nhà thím có khói.

Không để chị Gái hàng xóm dứt câu, bà Ba xô dạt hai mẹt cóc kẻng, xốc vội cạp quần bươn bả vào hẻm va phải con trai đang hớt hải ùa đến. Hai mẹ con vừa vào bậc cửa đã nghe tiếng thảng thốt của con gái: “Anh Thạch đừng lên, anh Thạch đừng lên”. Có tiếng lục bục phát ra từ trên gác xép.

   Hấp tấp nhưng cẩn trọng, bà rón rén lên cầu thang, còn cách ba bậc cuối cảnh tượng hãi hùng trước mắt – con gái bà mình trần như nhộng, đầu tóc chơm bơm, xà phòng lởm chởm toàn thân, người không ra người, ngợm không ra ngợm; con nhỏ ôm vai cố che cặp ngực mới nhú nhìn lom lom về phía cầu thang. Nhác thấy bà Ba, nó lẹ làng thụp xuống giữa đám thau chậu ngổn ngang, nước tràn lênh láng. Sau lưng bàn thờ vương mùi khói nhẹ. Dù chưa hiểu ngô khoai, bà vẫn mường tượng cảnh con gái bà vừa chứng kiến chắc hẳn vô cùng khủng khiếp. Nhón chiếc khăn sau tủ, bà choàng lên người con rồi khẽ vỗ về đưa con bé xuống nhà tắm.

   Đức tính cần cù chịu khó của người miền Trung sẵn có từ trong máu thịt của cô bé sớm mồ côi mẹ, bà Ba xuôi Nam theo bà ngoại thứ từ nhỏ. Mọi việc trong nhà giặt giũ, cơm nước bà đều chu toàn đúng danh xưng chị cả lo cho các dì, các cậu con của ngoại. Lớn hơn tí, bà ra chợ. Giần, sàng, nong, nia bà nhanh chóng thành thạo và quen dần với cách biết phân biệt các loại gạo, cám…là trợ thủ đắc lực của ngoại trong mọi việc.

   Thoảng nỗi niềm nhớ quê, những xa lắc thời thơ bé về trong tâm trí; thoáng ngùi ngùi nhưng rồi những gian truân, khó khổ trong cuộc sống đã nhấn trôi tất cả. Từ ước mơ trở lại nhà xưa, chỉ trong miên man. Rồi bà cũng lập gia đình, sinh hạ năm người con. Ông là người hiền lành, chuyên ngành tre nứa. Khúc sông Cà Ty có những trại tre hoành tráng. Bằng đường sông hoặc bằng xe bò, xe ngựa các nguồn tre nứa đều tập trung về đây – là nơi giao thương vô cùng sầm uất. Bên vỉa hè từ dốc cầu Quan (nay là cầu Lê Hồng Phong) đổ xuống đường Trưng Nhị đối diện những trại tre có người đàn ông hiền lành cần mẫn vuốt từng nan tre sau bao lần cắt, cưa, đục, đẽo từ những thân tre dài ngoằn, to lớn để tạo nên những giường chõng, bàn ghế…thông dụng đầy đủ kích cỡ. Ông là người thợ lành nghề và khéo nhất xóm.

   Nhà ông Ba là một trong năm hộ gia đình ngụ trong một hẻm cụt phía sau đường Trưng Nhị dùng chung một nhà vệ sinh, một giếng nước công cộng. Thế mà bọn trẻ trong xóm vẫn thản nhiên ăn cơm độn, mang dép vá đi học và lớn nhanh như thổi. Chị Tư đã tốt nghiệp sư phạm làm giáo viên, lập gia đình xa, bạn tôi và các em đã là công nhân viên nhà nước, chỉ anh Thạch khéo tay ở nhà nối nghiệp cha, tiếp tục công việc tre nứa.

   Kinh tế thời bao cấp khó khăn, đa số các mặt hàng kinh doanh đều quy về hợp tác xã, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý… Bà Ba rời chợ, về nhà an phận với hàng cóc kẻng.

   Con gái hay ăn hàng; đi làm về là sà ngay vào hàng ăn vặt, hổng biết sao hôm ấy dắt hẳn xe đạp vào nhà, đi tắm. Giọng bạn tôi đều đều. Trên gác có bàn thờ Phật, thờ Ba – phía sau là tủ gỗ nhỏ để bình ấm, ly tách…kế bên là mấy thùng giấy đựng quần áo, vật dụng gia đình. Trước khi đi chợ, bà Ba thắp hương. Chuyện con mèo tam thể nhà bà ở cữ cả xóm đều biết.  Sáng nay, tự dưng di chuyển các con đi nơi khác, hơi ấm nóng còn đây, lại còn sót lại một chút ươn ướt. Vốn tỉ mỉ bà Ba xếp tờ nhật trình huơ qua huơ lại nơi ấy cho sạch sẽ. Một tàn lửa nhỏ rơi ra, yên vị giữa kẽ hở hai miếng ván sàn gác xép. Thế là nó cứ ngún, và cứ ngún dần…Những ly tách thủy tinh trong tủ gặp sức nóng âm ỉ từ gỗ nên dần dần rạn, nứt tạo nên những tiếng kêu lục bục, lục bục...Một chút tò mò, không suy nghĩ nhiều, Liên lao hẳn lên gác, người nó không mảnh vải che thân là thế!

   Những thau chậu thùng xô chứa nước mỗi khi trời mưa bà Ba hay hứng đầy dự trữ, chị em nó hay cằn nhằn bày bừa, luộm thuộm nay hóa ra hữu dụng hết biết đã cứu cả xóm lao động trong hẻm cụt ấy thoát khỏi một tai ương khủng khiếp! Cứ tưởng tượng cảnh ra giếng công cộng múc từng xô nước xách lên gác chữa lửa hoặc sà vào hàng cóc kẻng như mọi bữa. Có lẽ do ba tao xui khiến! Tôi ngùi ngùi nhớ anh Thạch với nụ cười hiền đã theo ông Ba sau cơn bạo bệnh, tưởng tượng bà Ba thảng thốt khi nhìn thấy Liên, cảnh bà con trong xóm một phen hú vía, cảnh bạn tôi làm nhân viên chữa cháy. Tự dưng hai đứa bật cười, vậy mà đã gần nửa thế kỷ…

   Hết năm con Mèo, ngồi ôn chuyện cũ. Câu chuyện Bà Ba tiễn con miu đã trở thành giai thoại trong xóm. Thanh toán tiền café, khi ra về bạn tôi còn đưa tay khều khều: Mai ở nhà chờ tao, hai đứa đi nhuộm tóc để còn ăn Tết!