Mùi tết chưa lắm xưa

23/01/2024 15:39
152

NGUYỄN THÀNH TÀI


Ba trăm sáu mươi ngày để trôi tuột qua kẽ tay thì không cảm xúc, chẳng nôn nao. Còn mấy ngày lẻ đặt dấu chấm kết năm, bục mặt hứng ngọn bấc ùa về, bụng lại cồn cào, bồn chồn nhớ. Ăng ten khứu giác bắt đầy mùi tết trong không gian nhà chưa lắm xưa.

   Mùi nắng bên hiên. Là buổi trưa mấy ngày lẻ gần hết năm. Nắng tươi trong, đủ độ ủ đông đến lúc dậy lên hương men nồng rạo rực tâm can người ta. Nắng thả từng sợi vàng óng vuốt ve chậu vạn thọ, mơn trớn nụ mai tinh khiết. Hết ngày đi học để nghỉ tết, thằng nhỏ ném sách vở vào tủ đóng kín lại, nhốt chặt chữ cái, con số, bài tập đọc nằm im trong đấy. Đầu óc nó mãi nghĩ về thời gian tới được ăn ngon, mặc đẹp, được lì xì. Nó nằm trên võng mây trước hàng hiên nhìn ra sân, tay cầm quyển Tây Du Ký cũ mèm. Nó đọc chữ rành rọt cũng do bà. Mỗi trưa trên võng mây, bà phe phẩy quạt bắt nó “đọc truyện canh trưa” cho bà nghe. Bữa đọc Tây Du Ký, bữa chuyển sang cổ tích Việt Nam. Đọc được vài dòng, bà lim dim. Nó cũng buông sách ngáy khò khò. Ngày xuân đọc truyện Tây Du Ký, tâm trạng hòa nhịp cùng thầy trò sư phụ Đường Tăng chống chọi với yêu quái, thấy cũng thú vị.

   Mùi cốm hộc. Phải tinh lắm mới nhận ra hương vị thanh khiết ấy. Nếp rang trên chảo gang bung vỏ trấu thành nổ. Trộn nổ với đường tán vàng thắng chảy và gừng. Hộc cốm đủ chuẩn khi tám góc vuông vức, mười hai cạnh thẳng thóm, nặng hơn nửa kí lô gam. Cho nên công việc ép cốm không dành cho người sức yếu, tay mềm. Cho nên phải ép thử một hộc, đem soi từng góc cạnh dưới đèn dầu, đặt lên cân trọng lượng chán chê, rồi mới bắt đầu ép hàng loạt. Hai ngón tay cái nén nổ vào bốn góc khuôn gỗ thật chặt, chạy các cạnh cho chuẩn thì mới mong ra lò tác phẩm đẹp. Tẩn mẩn, tỉ mỉ, cẩn thận, chỉnh chu để đạt độ thẩm mỹ vuông vức, ngay thẳng. Hộc cốm trọng lượng nặng, hạn chế không khí thẩm thấu qua từng khe hở trong cốm, giữ độ ngon lâu sau tết vài tháng. Cốm tết nguyên thủy thế thôi. Trôi theo ba, bốn chục cái tết, hộc cốm đã thay đổi, biến ảo khôn lường. Cốm sữa, đường cát trắng, nho khô, mứt dứa trộn lẫn lộn, ít ngọt, nhiều ngọt, cay ít, cay nhiều. Hộc cốm nhẹ hều, góc cạnh xộc xệch, đặt lên bàn thờ nghiêng qua, ngả lại, nhìn lôi thôi, lếch thếch. Giấy gói cốm nguyên thủy là tờ giấy khổ A3 mỏng, in hoa văn đơn giản, dễ hút nước, làm khô cốm, giúp giữ cốm lâu hư. Một tờ giấy đo qua, kéo lại, cắt tới lui cũng gói được hai, ba hộc cốm. Theo thời gian cũng dần biến đổi thành các loại giấy bóng, kính, không thấm nước, đẹp đẽ, màu sắc tươi mới. Chính việc trải qua hai, ba tháng giấy bóng không thấm nước, ngược lại còn đọng mồ hôi, làm cho hộc cốm tích hơi nước, ẩm mốc, không giữ được lâu. Chán chê với bao thức ngon, vật lạ, gia vị trộn vào nổ, giờ đây lại dần trở lại thuở ban đầu: cốm, đường tán vàng thắng chảy ra nước trộn gừng. Giấy gói cốm cũng quay lại lúc xưa. Nhìn hàng cốm dán giấy gắn lua tua (hoa cắt bằng giấy để trang trí hộc cốm), chưng trên bàn thờ thẳng tắp, đã thấy không khí tết đang đến, con người ta sảng khoái hẳn ra. Nó sáp vào cùng mọi người ép cốm cho dù bà nó trừng mắt đuổi, con nít phải đi ngủ sớm. Hồi lâu, nó tìm được chân lăng xăng mang hộc cốm từ bàn ép đem để lên mâm phơi. Thế là được dịp thức đến khuya lơ khuya lắc, còn được thưởng thức cốm ép mới ra lò với nước trà.     

   Mùi mai rừng. Cha thằng nhỏ thích chơi mai, mà phải là mai rừng mới chịu. Tết trong nhà không có cành mai rừng thì lòng ông dường như không vui. Tầm mười lăm tháng chạp, vào buổi chiều đi làm về, cột trên yên xe honda 67 của ông là một cành mai rừng. Tự tay ông thui gốc, cẩn thận cắt bỏ cành dài, lá hư rồi hô hào anh em nó xách thùng đổ đầy nước cắm cành mai vào mang để góc sân phơi sương. Hàng ngày đi làm về, ông lại phun nước cho cành mai khỏe mạnh ra lộc, trổ nụ. Gặp năm tiết trời lạnh, cành mai phát triển chậm, ông đi gặp người này, tìm người nọ hỏi cách “thúc” mai đúng ngày nụ bung vỏ lụa, lộc ra đầy cành. Phải năm trời ấm nóng, nguy cơ mai bung sớm, ông lại hỏi chiêu kìm hãm cành mai phát triển để đêm giao thừa, sáng mùng một tết, hoa nở đầy cành, hương bay ngào ngạt. Sau khi khiêng bình sành cắm cành mai vào phòng khách, đúng vị trí ưng ý, ông ngồi tẩn mẩn cây kéo với tờ giấy báo gói đồ, hồi sau thì hiện ra dây chữ chân phương “CHUC-MUNG-NAM-MOI”, “CUNG-CHUC-TAN-XUAN”... Lại hò hét anh em nó sáp vào trang trí cành mai dây chữ, mấy tấm thiệp chúc tết ông xin đâu đó mang về. Chưa điện thắp sáng nên không đèn nhấp nháy, chưa đồ treo lấp lánh đầy sắc màu. Nhưng từ giờ phút này với thằng nhỏ, tết sáng bừng góc nhà với mùi hoa, mùi giấy, mùi thiệp tết quyện lại lan tỏa xung quanh. Những tết kế tiếp, nhà kéo điện về thắp sáng, mai rừng cạn kiệt, cha nó vẫn giữ thói quen chơi mai. Lần đầu tay rờ, mắt nhìn chậu mai bonsai uốn lượn theo dáng, nét mặt ông không vui. Ông bảo, vẫn thích cành mai rừng cắm chậu, đích thị mới là mai. Thằng con chọc cha mình, do có người thích chơi mai rừng nên bị tuyệt chủng. Ông quay lại lườm lườm đứa con láu cá.

   Mùi tất niên. Bữa cơm tất niên duy nhất nồi canh đầu cá thiều (một loại cá biển da trơn, còn gọi là cá cúng) nấu với măng, cà chua, giá đỗ, ớt hiểm. Dân vùng biển Đồng Hới, Quảng Bình có câu “nhất nghẽo gan, nhì mang thiều” (gan cá nghẽo béo nhất, mang cá thiều ngon nhất), lại có thêm câu “Chuồn, cúng tháng ba, thu đa tháng bảy” (mùa tháng ba âm lịch thì cá chuồn, cá cúng (cá thiều) là ngon nhất, tháng bảy thì cá thu đa, tức cá thu trơn da, không có vảy ở gần cuối đuôi là ngon nhất). Không hiểu sao vào độ giáp tết, chợ quê bán cá thiều rất nhiều. Người đi chợ thích mua khúc mình cá về ăn ngon hơn. Còn đầu cá để lại đến trưa, người bán hạ giá rẻ như cho. Mẹ thằng nhỏ mua về làm nồi canh tất niên. Bữa cơm thường ngày, anh chị em nó xơi cá bã trầu (thuộc họ cá trác, còn gọi là cá mắt kiếng, sơn thóc, toàn thân màu hồng nhạt như bã trầu người già ăn trầu nhả bỏ), nhỏ bằng ba, bốn ngón tay khép lại, bán đầy chợ rẻ rề. Mỡ heo hiếm, chỉ chiên xào, nấu nướng vào dịp cúng, giỗ nên không hoang phí. Cái khó ló cái khôn, cá bã trầu rắc muối ớt áp chảo đậy nắp để chín. Thế mà cơm hết chén này đến chén khác. Cho nên bữa canh chua cá thiều trưa cuối năm rất hấp dẫn nó, bởi thay đổi hoàn toàn thức ăn hàng ngày. Kết thúc năm cũ bằng bữa canh cá thiều với thằng nhỏ quá đỗi tuyệt diệu. 

   Mùi giao thừa. Đêm cuối năm tối thui. Điện chưa có. Ánh sáng vàng vọt từ dăm ba cọc đèn dầu hỏa trên các bàn thờ tỏa ra xung quanh. Nhìn khắp nhà lập lòe, chập chờn. Khói bốc lên từng dải đen ngòm. Dần dần đùn kết lại thành từng vệt bồ hóng ám đen trên trần nhà. Thứ mụi đèn mà mấy ngày trước thằng nhỏ dùng chổi dài, mặt hướng lên trần, mũi bịt khăn, tay quét lấy quét để cho chúng rơi xuống. Hết cả năm, trần nhà lại được quét sạch. Rồi sang năm, dính đầy mụi khói đèn. Mỗi năm nó quét đi dơ bẩn, cũ kỹ để tiếp tục làm ra dơ bẩn, cũ kỹ. Vòng lặp lẩn quẩn nối nhau. Bàn thờ như cả mùa xuân gọi mời. Hộc cốm mới tối hôm qua còn phơi mình với sương đêm, giờ đã được mặc lớp áo giấy hoa văn đủ màu sắc, gắn thêm chiếc nơ bông hoa giấy, bảnh dáng nằm ngay ngắn. 

   Mùi tâm linh. Kiêng kỵ vào mấy ngày tết, xóm Giếng Hộc không ai bằng bà. Nếu xếp bà thứ nhì thì chẳng ai chịu đứng nhất. Trong nhà, bất cứ người nào, vô tình hay cố ý làm trái lời căn dặn, sẽ bị bà la mắng ngay. Đầu năm, đầu tháng mà nghe chửi, thì theo bà quả quyết, sẽ bị xui xẻo cả năm. Mọi điều bà kiêng cữ đều nhuốm màu sắc tâm linh, tinh thần hơn là thực tế kỹ năng sống buộc phải làm thế. Và những kiêng kỵ ấy được gán cho hai từ “tục lệ”. Người già thường có cái lý riêng của mình và đem cái lý riêng đó ra làm chuẩn để giải quyết mọi vấn đề. Người trẻ chỉ nên biết vâng lời, thực hiện và đừng dại dột cãi lại. Thằng nhỏ răm rắp nghe và làm theo tất cả mọi điều quy định từ bà. Kiêng cữ bắt đầu từ lúc giờ phút cúng tất niên kéo dài đến cúng tạ mùng bốn tết mới dỡ bỏ.

   Trái cây đơm (trưng/chưng) cúng tết trên bàn thờ tuyệt đối không có hai thứ: chuối và dưa hấu. Theo lời bà, chuối khi đọc lên nghe giống “chúi” (cúi xuống), “chúi nhủi” (đâm đầu xuống lẹ). Đầu năm đụng đến “chúi”, “chúi nhủi” rất xui xẻo, nên bỏ “chuối” ra khỏi danh mục trái cây đơm cúng tết. Còn dưa hấu, trước lúc bị cấm xuất hiện trong nhà vào dịp tết, thì năm nào bà cũng có mua trái dưa hấu bự về dán giấy đỏ rồi đơm lên bàn thờ. Tết nọ, sau cúng tạ mùng bốn, cả nhà xúm xít mổ dưa. Thời khắc trái dưa bị bổ toạch ra làm hai, mọi người tiu nghỉu. Bà biến đổi sắc mặt khi nhìn thấy ruột dưa bủn nát, chảy nước. Điềm báo năm nay không yên lành. Bà hạ lệnh ngay từ giờ phút đó, kể từ năm tới trở đi cấm mua dưa hấu về cúng tết. Cho dù thằng nhỏ còn nhớ, năm bổ trái dưa hấu bị sập (hư) ruột trôi qua trong sự rón rén theo dõi của nó, chẳng có điều bất thường, xui xẻo nào ập đến với mọi thành viên gia đình. Cái tên “dưa hấu” bị cấm cửa trong mấy ngày tết ở nhà từ chuyện ngẫu nhiên ấy. 

   Sau khi cúng tất niên, cửa chính nhà đóng lại, đến cúng tạ mùng bốn tết mới mở ra. Đóng cửa chính để ngăn chặn tạp niệm, khí độc, điều xấu bay vào nhà. Người trong nhà, khách khứa đến chúc tết đều đi cửa phụ (may thay, nhà có hai cửa). Rác sinh hoạt mấy ngày tết gom một chỗ. Đợi hết tết đem đổ. Không quét rác ra sân, sẽ đuổi may mắn, sức khỏe, tài lộc đầu năm đi hết. Chén bát, nồi niêu nấu nướng, ăn uống, rửa ráy, dẹp dọn sắp xếp cẩn thận, tránh đổ vỡ. Đầu năm để xảy ra thì cả năm công việc sẽ tan nát, đổ bể, thất bại. Mùng một tết, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ai ở đâu, yên đó. Cấm đi lại lộn xộn, lung tung. Vì đêm cuối năm cũ, sáng đầu năm mới là thời khắc người cõi âm đi đứng đầy đường làng, ông bà tổ tiên rủ nhau về sum họp ăn tết gia đình. Cũng có tà ma, ngạ quỷ trà trộn theo quấy phá. Người trần mắt thịt tránh ra đường vào thời khắc linh thiêng đó để khỏi phải gặp phải chuyện không mong muốn.

   Lời bà dặn dò vậy, thực tế ngược lại. Lũ bạn học đứng ngoài cổng gọi thằng nhỏ khan cổ họng rủ đi chơi. Nó trùm mền cố thủ trên giường, ráng ngủ cho quên bữa ăn sáng. Khi lũ bạn kéo nhau đi uống siro đá bào, mua kem mút, mua bong bóng bày trò chơi, thì nó mặc kệ để trôi qua ngày mở đầu năm mới đầy nắng sớm lung linh, gió mát xôn xao, chim hót véo von, hoa tỏa hương thơm. Những ngày đầu năm lúc đó với thằng nhỏ thật vô vị.

   Mùng hai tết, nhà mới tiếp khách đến thăm chúc tết. Trước khi tiếp khách hàng loạt, người được bà nhờ vả từ trước tết, sẽ nhanh chân đến đạp (xông) đất nhà đầu tiên. Bà đoán khách đến chúc tết từ xa. Chỉ cần nghe tiếng gọi cửa ngoài cổng, sẽ biết ngay người nào trong xóm Giếng Hộc. Người ấy năm qua làm ăn tốt hay thất bại, sức khỏe mạnh hay yếu, nhà có tang chế hay bình yên. Lấy phương châm rước tốt đẹp, may mắn vào nhà, đẩy xấu xa, xui xẻo bay đi để quyết định mở cửa mời khách vào.

*

   Trời tối hù. Tôi mở mắt nhìn trần nhà loáng thoáng mạng nhện bay. Tay quơ đụng cái rột vào cây chổi dài dùng để quét trên cao nằm bên cạnh. Gió xuân thổi hiu hiu mát. Sao mình lại nằm lăn ra ngủ giữa sàn nhà thế này. Định thần nhớ lại. Trưa nay, vợ con về Giếng Hộc phụ giúp lo tết bên nội, giao ông chồng thủ tự kiêm ô sin dẹp dọn nhà cửa. Đang thể hiện trọng trách cao cả, thằng hàng xóm thò đầu ới, ông anh sang em uống vài ly tất niên sớm. Tiệc tàn, về xách chổi quét vài nhát. Gặp cơn gió mát, nên lăn ra ngủ chút xíu mà đến tối hù mới tỉnh giấc. Tết xưa trở về trong giấc ngủ men say. Chợt tiếng pháo hoa từ xa vọng lại cùng ánh sáng muôn màu lóe lên trên nền trời đêm. Thanh âm, sắc màu nhảy múa nhộn nhịp thúc giục hương xuân đang tràn về khắp mọi nơi.