Ngân Kim:
ám ảnh gió cát, ám ảnh phận người...

13/08/2024 00:00
444

Y NGUYÊN
(Đọc "Đuổi theo chân cát" của Ngân Kim – NXB Hồng Đức - 12/2023)


 

Tôi biết Ngân Kim đầu tiên qua truyện ngắn Ngày có mưa, đọc trên facebook hay báo online gì đó. Tứ truyện khiến tôi chú ý bởi bộc lộ cá tính, không đi theo cái lằn ranh "phải đạo" thông thường như đa số những cây bút trẻ mới vào nghề. Phải đạo - với những nếp nghĩ, nếp nhìn quen thuộc (nhiều khi đến mức "thuộc bài"!) như những xác tín được cộng đồng chấp nhận. Thông cảm thôi, cái ấy tạo nhiều cơ may để tác phẩm được truyền thông đăng tải, in ấn, thậm chí trao giải nơi các cuộc thi (nhất là khi người ta còn là "lính mới", chưa tên tuổi lắm trên văn đàn!). Còn nữa; viết phải đạo thì an toàn, ít lo "tai nạn nghề nghiệp"; chuyện ấy không cứ gì người viết trẻ mới biết!

   Vậy nhưng cá tính, độc lập, sống khác nghĩ khác, không chấp nhận "bầy đàn" mới là những yếu tố sống còn, tiên quyết để một người cầm bút có cơ may thành nhà văn đúng nghĩa nhà văn. Tôi mơ hồ nhận ra những tố chất ấy nơi tác giả Ngày có mưa. Người đàn ông nhân vật chính (chú Dĩnh) sống nơi cái xóm nghèo quanh năm khô hạn miền Trung; kẻ được cộng đồng xem như người "tưng tưng" (lẩn thẩn) bởi không chịu bỏ xóm tha phương cầu thực như hầu hết trai tráng cùng làng; dửng dưng với người yêu cũ bởi nàng không còn giữ được đôi mắt ướt; hồn nhiên chơi đùa cùng con trẻ; trò chuyện với… cây me và dứt khoát không tin hễ trời kéo mây đen là chắc chắn có mưa! Lạ. Và càng lạ hơn khi chú dám "to gan" nói ngược lại ý của cả cộng đồng, kệ cho những ánh mắt "…dòm chú như muốn nuốt sống"! Dư âm truyện đặt một câu hỏi lớn: cuối cùng thì ai mới "tưng tưng": chú Dĩnh hay cái cộng đồng trong cơn "lên đồng tập thể" kia?? Câu trả lời nhà văn dành phần độc giả. Và thực sự nó không hề dễ trả lời!

   Lần này, tôi gặp lại Ngân Kim nơi một tuyển tập gồm mười chín truyện ngắn: Đuổi theo chân cát. Tình cờ như định mệnh, Ngày có mưa cũng có mặt trong số ấy. Đương nhiên… thiện cảm. Người ta nói ấn tượng ban đầu luôn quan trọng. Tuy vậy, vẫn phải ráng giữ cái đầu lạnh, "công tư phân minh" để xem trong số 18 truyện còn lại có gì??

   Thì đây, thứ nhất: Ám Ảnh Gió Cát!

   Ngân Kim đang sống ở Bình Thuận, tỉnh cực Nam Trung bộ. Có cực Nam vẫn thuộc duyên hải miền Trung. Đương nhiên ám ảnh gió cát không dành riêng cho các nhà văn Bình Thuận (trong đó có chị) mà bàng bạc nơi trang viết của hầu hết những "đứa con nghệ thuật" sinh, lớn hoặc nhận làm quê hương dải đất miền Trung nắng vàng cát trắng. Vậy nhưng trong văn Ngân Kim, cái ám ảnh ấy xuất hiện với tần suất dày hơn, ám hơn. Bối cảnh truyện với những làng cát neo mình bờ biển Đông, tứ phía trống trơn hun hút tầm nhìn, mênh mông cát, lồng lộng gió luôn trở lại trở đi trong sáng tác của chị. Cát và cát nối tiếp nhau, trải dài từ chỗ chị đứng đến đường chân trời phía xa. Một màu đỏ nhức mắt… (Ngược gió); hay: trước mắt, miền cát đỏ rực hun hút kéo dài tận chân trời. Mà chưa chắc nó dừng lại ở đó, có khi còn kéo dài miên man bất tận cũng nên…(Xóm Biệt Tăm). Và đây; gió: Gió mạnh dần, mạnh dần. Những bước chân bắt đầu mệt mỏi. Gió quật thẳng vào mặt. Gió gào rú phía xa vọng lại những âm thanh ghê rợn (…). Thần gió ngạo mạn hú lên một tràng cười, quật thẳng mũi roi vào mặt. Chị ngã sấp xuống cát…(Ngược gió). Gió chướng miền Trung; kiểu gió mà chỉ người bản địa sinh ra, lớn lên nơi dải đất miền Trung mới đủ sức cảm nhận, hình dung hết mức độ khốc liệt; nhất là những phận người nghèo khó, neo đơn. Chả trách người phụ nữ đơn thân sống với hai con trong căn nhà xập xệ nơi miền gió cát lại lo tới mức ám ảnh khi nhìn thấy mái tôn đánh vật với cơn gió to cố bám trụ mấy thanh xà ngang. Nỗi lo về một mùa gió chướng kéo dài… lỡ có miếng tôn nào bị sứt, cánh cửa nào rớt bản lề biết đường đâu sửa… (Chướng còn rơi rớt). Cát, Gió thôi chưa đủ; còn thêm những "trợ duyên" mang tính cách đặc thù vùng cực Nam Trung bộ cho "tròn vành" thêm khắc nghiệt: nắng nóng và khô hạn. Thế là Tỉn đi, bỏ lại đồi cát mênh mông vào một ngày nắng gió rát rạt. (…). Dường như cái gì đẹp đẽ tới đây đều bị nắng thiêu rụi ra một màu vàng cát, rồi chiều ngả màu đỏ quạch…. Nữa: Đồi Cát mùa này đang đỉnh hạn bà chằn, mới sáng ra đã hanh nóng hầm hập, lùa hết mấy ông già ra gốc quao cổ thụ… (Cát thở).

   Không cần "mục sở thị" (tận mắt chứng kiến); chỉ qua ngôn từ, Ngân Kim cũng khiến ta (người đọc) thấy khát khô, bỏng giãy!

   Vậy nhưng, ám ảnh với tác giả dù lớn đến cỡ nào cũng chỉ mới chuyện riêng của cá nhân. Kinh khủng hơn, nó ám cả một cộng đồng. Nỗi khát mưa trong cơn nắng hạn kéo dài khiến cả cộng đồng mụ mị, rơi vào hoang tưởng đến mức hành xử điên rồ, không phân biệt được đúng sai (Ngày có mưa). Nghiêm trọng hơn, còn khiến cả một làng lũ lượt từ bỏ nơi cắt rốn chôn nhau, dắt díu nhau đi mong tìm thấy xứ thiên đường; cái xứ chỉ đơn giản có …nước xài thoải mái, xe chạy rần rần. Cái gì cũng thơm tho đâu khét nắng như Đồi Cát… (Cát thở).

   Và thứ hai, không thể thiếu, đương nhiên tới Ám Ảnh Phận Người!

   Ám ảnh gió cát chuyển sang ám ảnh phận người như một lẽ nhân quả. M. Gorki từng bảo: Văn học là Nhân học, lấy con người làm trung tâm; phải thôi. Hay cũng có thể vận dụng tinh thần triết lí Đông Phương về cái thế "tam tài" Thiên – Địa – Nhân luôn bắt buộc đồng hành để tạo nên một chỉnh thể vũ trụ. Ám ảnh thời tiết (Thiên); ám ảnh đất đai, vùng miền (Địa) như cái bệ phóng tất yếu đẩy văn chương tới ám ảnh phận người (Nhân). Những phận người vật vã trong cái đói cái nghèo đi tìm lối thoát, loay hoay cho cuộc tồn sinh giữa một thiên nhiên đầy nắng gió, rát bỏng cằn khô nơi duyên hải miền Trung - hay chịu không nổi phải bỏ xóm làng tha phương cầu thực - đọc lên nghe sao mà tội, mà thương. Tội vậy, thương vậy; nhưng cảm xúc chủ đạo lắng lại sau cùng nơi ngòi bút nhà văn – lạ thay – không phải tội hay thương mà chính là… khâm phục! Ừ thì có thương nhưng cái chính là nể phục. Phục cái sức bền bỉ chịu đựng, cái nghị lực phi thường và đôi khi cả cái minh triết trí tuệ (hiếm thấy) mà những đứa con Miền Gió Cát dùng đối mặt, vượt qua nghịch cảnh để tồn tại, để khẳng định mình. Cái tố chất "3 trong 1" ấy tùy từng tình huống truyện, từng văn cảnh, từng nhân vật sẽ hiện ra bằng những sắc thái đậm nhạt khác nhau; nhưng tựu trung đều bàng bạc nơi đại đa số những nhân vật "trụ cột" của truyện. Có thể nói: văn Ngân Kim khá vắng kiểu nhân vật được định danh trọn vẹn bằng từ "phản diện". Xấu, ác, tha hóa, mê muội, yếu đuối… tất tất thảy đều tồn tại trong truyện (làm sao không tồn tại?); nhưng lẩn khuất, bàng bạc, lửng lơ ngay trong chính những cá nhân, những cộng đồng chắc chắn không thể nào xếp họ vào phe… phản diện! cái phức tạp, lửng lơ ấy, theo tôi, đã góp sức không ít làm nên những truyện ngắn thành công của tác giả (Ngày có mưa; Xóm Biệt Tăm; Chướng còn rơi rớt…). Ám ảnh phận người chứa đựng ngay trong những giằng níu phức tạp ấy. Còn nữa; trong những chọn lựa to be or not to be (tồn tại hay không tồn tại – Shakespeare). Phận người, mọi chọn lựa đều có giá; và đôi khi, cái giá quả không hề rẻ! Nhân vật Thương trong Xóm Biệt Tăm đã trả giá cho cuộc sống đủ đầy nơi phố thị bằng cái kết không tìm ra lối về Miền Cát, về cái "xóm biệt tăm" nơi cô bỏ lại những người ruột thịt thân yêu - luôn cả mẹ già. Loay hoay chưa tìm thấy đường về thì đã nghe tin mẹ mất. Sụp đổ, bàng hoàng khi… Thương biết vậy là sợi dây mỏng mảnh nối nó với miền cát này đã đứt… (Xóm Biệt Tăm). Lìa xa cội nguồn; cái bi vẫn còn chưa đến mức thảm. Nhưng đánh mất quê hương là xem như bi thảm trọn gói, khỏi bàn! Cái cao tay của tác giả trong truyện này chính ở chỗ không phê phán mà chỉ cảm thông (… với chọn lựa của Thương). Nó biểu hiện qua tiếng thở dài sẻ chia và câu an ủi của người anh: Đâu phải lỗi tại mầy. (…) Hai mừng cho mầy thoát khỏi xứ cát này Út ơi! (Xóm Biệt Tăm). Nhân văn sâu thẳm; đặc biệt không phải kiểu "nhân văn thuộc bài", hay! Vậy nhưng, ám ảnh sẽ càng khốc liệt hơn khi ta (buộc) thừa nhận chọn lựa của Thương là chọn lựa đúng. Một cái đúng đầy đau đớn. Đau thấu trời mà vẫn không thể không chọn; còn bi kịch nhân sinh nào ám ảnh hơn với Phận Người??

   Nhiều; nhiều những ám ảnh khác nữa. Chẳng hạn quê hương, nguồn cội với những trớ trêu, nghiệt ngã, dữ dằn khốc liệt tới mức khiến con người kinh sợ, đẩy con người tới bước tha phương thì khi "ghét bỏ" qua đi, thẳm sâu trong con người vẫn cứ trỗi dậy tình yêu đớn yêu đau, vẫn thấy cái đẹp rỡ ràng hiện diện chính nơi mình từng ghét bỏ: …mặt trời đỏ ối như chiếc mâm vừa được phun xong đang phơi cho ráo sơn. Phía dưới chiếc mâm khổng lồ là đồi cát đỏ nhấp nhô trải dài không biết điểm dừng. Cái màu đỏ sao mà nhức mắt người nhìn. Nhưng mà nó đẹp…(Xóm Biệt Tăm). Chưa hết; sau những ám ảnh (tạm gọi) hạ tầng, phổ quát, còn manh nha thấp thoáng đâu đây cả những ám ảnh thượng tầng khó nhận ra hơn; nhưng mức độ tàn phá, tổn thương cũng không hề kém cạnh với nhân sinh: ám ảnh thất vọng đối với tính bầy đàn, mông muội, độc ác của con người (Ngày có mưa; Đôi cánh vịt trời). Ám ảnh mong manh, nửa vời, kết không có hậu của những giấc mơ nhuốm màu lí tưởng (Một nửa cổ tích; Chướng còn rơi rớt).

   Có lẽ "thấy ngại" cho những khoảnh khắc xuất thần phóng bút vẽ tranh tả thực (mảng tối) - hay cũng có thể do áp lực thi cử, áp lực chọn lựa của báo chí, xuất bản… - nên trong nhiều truyện ngắn còn lại của tập nhà văn đã (cố gắng) phủ lên không gian truyện những gam màu tươi sáng hơn – hay chí ít cũng hướng truyện về một cái kết… có hậu! Ý đồ tốt, miễn bàn. Vậy nhưng, cảm nhận nghệ thuật – theo quan điểm cá nhân tôi – các truyện ấy có phần nhợt nhạt, kém sức sống so với những truyện tác giả viết trong trạng thái freedom, tạm "quên đi" chuyện… lập trường! Đáng tiếc hơn, có nhiều truyện khởi đầu, văn phong, kết cấu khá hay; nhưng do cái kết tác giả cố tình "quay xe" cho có hậu khiến hiệu ứng nghệ thuật giảm đi đáng kể…

   Không sao. Đức Khổng Tử sinh thời từng dạy: Vi Nhân nan (làm người khó!). Làm người còn vậy; để làm một nhà văn – đặc biệt nhà văn đúng nghĩa – chắc chắn… khó hơn! Trên cuộc hành trình thập giá ấy người cầm bút sẽ còn phải trải qua nhiều khổ luyện, dưỡng tu – kể cả trải nghiệm bầm dập, đớn đau – mới mong có được một chỗ ngồi (khiêm tốn) nơi Thánh Đường Văn Chương. Được biết Ngân Kim tuổi Rồng, sinh năm 1988, chưa qua ngưỡng cửa bốn mươi. Quá nửa đời người; nhưng với Đời Văn (xuôi) – tính ra chị vẫn còn rất trẻ! Tin chắc chị còn đủ thời gian, đủ Trí, đủ Tâm - đặc biệt đủ Dũng - để vượt qua những ám ảnh phận người của chính mình…      

Miền Gió Cát – tháng 2