Lắng nghe “Một khúc trầm ca”

30/08/2024 23:48
662

MINH TRÍ


   1. Nhà thơ Lê Thanh Hùng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận, gần đây đã cho ra mắt độc giả tập thơ “Một khúc trầm ca”. Tập thơ khổ vuông, trình bày trang nhã do Nhà Xuất bản Thanh Niên cấp phép xuất bản quý III năm 2023.

   2. “Một khúc trầm ca” bao gồm 108 thi phẩm, trong đó có 6 bài thơ lục bát. Các bài thơ trong thi tập xoay quanh các đề tài: ký ức, suy tư về cuộc đời, những đổi thay trên quê hương, những nỗi mong chờ, ý thức phản biện, cùng tình yêu và các mảng đề tài khác.

   Rất nhiều bài trong thi tập gợi về ký ức, về những chuyện ngày xưa: “Còn một chút gì đọng lại không em?/ Hay đã chìm trôi, quẩn trong quên lãng/ Sao ký ức, giăng mờ chiều chạng vạng/ Bốn mươi năm, lòng anh vẫn chưa yên” (Trũng đêm). Dòng sông Mao cũng đã gợi nhớ nỗi nhớ da diết trong lòng chủ thể trữ tình: “Chiều Sông Mao xanh trong mắt em/ Trôi lãng đãng, nghiêng lòng phố chợ/ Nghe váng vất, đắm chìm nỗi nhớ/ Một chiều xưa đằm thắm dịu êm” (Một chiều xa ở Sông Mao).

   Nỗi quay quắt nhớ về ngày xưa, chuyện xưa, một miền xưa, người xưa lại thêm một lần được nhắc tới trong Chiều họp mặt: “Sao cứ nhớ hoài, cõi xưa mơ mộng/ Nhớ dáng em gầy, mái tóc bay bay…/ Của một tuổi nào, đời tràn gió lộng/ Chén rượu khan tình, nhắp vội nồng cay”.

   Có ký ức về bãi tắm Thương Chánh nổi tiếng của Phan Thiết trong lòng nhà thơ: “Anh đánh rơi bãi Thương Chánh, mười năm/ Trong ký ức nhập nhòe, mờ góc khuất…” (Chiều qua bãi Thương Chánh).

   Xa biển, về miền đồng, nam nhân lại cứ muốn lần mở, tìm trong ký ức những hình ảnh, công việc, dáng hình người con gái của những tháng ngày đã xa: “Anh về cuốc lật ngày xưa lại/ Thở dốc, bên đồi nắng đăm chiêu/ Bỗng quay quắt, dáng người con gái/ Đứng chôn chân kéo lưới trong chiều” (Xa biển về đồng).

   Ngoài ký ức, “Một khúc trầm ca” còn bộc lộ những suy tư về cuộc đời của chủ thể trữ tình trong các thi phẩm.

   Trách nhiệm trước công việc là một phần của những suy tư ấy. Tác giả nêu trực diện, thẳng thắn, không dùng uyển ngữ: “Sợ trách nhiệm hay thiếu trách nhiệm/ Hãy đặt đúng chỗ, gọi đúng tên/ Né trách nhiệm, dửng dưng trách nhiệm/ Ấp lẫm đời xây xước cong vênh…” (Điều gì mà tất bật).

   Và đây, thêm một lần, chủ thể hoạt động đi thẳng vào vấn đề cần nói, chẳng quanh co: “Anh vẫn biết, không thể tốt đẹp hơn/ Nếu cứ chằm chặp kể xấu người khác” (Thấy, cái nhìn nhận thức).

   Ý thức phản biện trong suy tư của tác giả, những hình ảnh đối lập, những ý tưởng đối lập đã có trong thi phẩm Rụt rè có một giấc mơ: “Đã là cây to, sao lại đòi làm tầm gửi/ Lóng cóng mùa, đứng đợi gió nồm lên”…// Thói quen dựa dẫm vào tập thể, để cò cưa đùn đẩy/ … // Chỉ là cây lưu niên với giấc mơ trở thành cổ thụ”… “Không phải ta già đi, mà ngày một đã lỗi thời/ Kiêu hãnh còn lại chỉ là tuổi tác, chập chờn xiêu xó/ Thì trong suốt niềm tin, cố đừng để hao vơi…”.

   Tác giả còn nhìn về những đổi thay trên quê hương, khi mà làng đã lên đời, đã đổi thay thành phố mới: “Bay đi sáo, để làng lên phố mới/ Rạo rực làm sao, hối hả nhịp đời…” (Phố mới). Đã có sự đổi thay, xóm chài buồn khi hoàng hôn buông, trong khi khu du lịch rộn ràng huyên náo. Điều ấy, có gợi về ký ức của thi nhân? “Hoàng hôn buông, xóm chài buồn hiu/ Khu du lịch, dập dềnh sóng nhạc/ Trôi xa vắng, một mùa thu khác/ Lặng lẽ rơi, chầm chậm trong chiều” (Có một vầng trăng mười chín).

   Tình yêu thường là đề tài lớn trong các thi phẩm của biết bao nhà thơ. Ở “Một khúc trầm ca” bạn đọc yêu thơ cũng dễ dàng nghe thấy những lời yêu: “Trong hạnh phúc dâng tràn choáng ngợp đắm say/ Có những lúc, buông chiều ngã ngớn/ Sắc thu không dường đẩy đưa lợn cợn/ Vương vãi rơi, mờ tỏ bóng ngày” (Người đàn bà trong em bật khóc). Hay ở thi phẩm Mơ hoang: “Mơ hoang ru giấc ngoan hiền/ Giật mình chợt nhớ, ngọt mềm môi ai”.

   Có một dòng sông trong dĩ vãng, với bến vắng, với tình nồng của những ngày đã xa, xa lắm: “Em trôi tuổi mộng, dòng sông xưa/ Xuân cũ, ngỏ lời bên bến vắng/ Òa vỡ dòng xuôi, tình trĩu nặng/ Treo bên đời, vọng tiếng đò đưa” (Ru tình bên bến sông xưa).

   Tâm trạng của người phụ nữ miền biển đứng đợi chồng về, lòng lo lắng khi thuyền về bến muộn, để cảm nhận rằng sông cũng buồn hiu: “Em đứng đợi, bờ lay gió cuốn/ Gió nồm căng, ngực trẻ phập phồng/ Cứ khắc khoải thuyền về bến muộn/ Sông cũng buồn hiu, chảy chậm dòng” (Em đợi chiều bên cửa sông Phan Rí).

   Có sự chia tay, người thương cũ vẫn còn chút lãng mạn của mối tình đầu, để còn giữ những điều tốt đẹp về nhau: “Để lại một trời lộng chiều lãng đãng/ Mây núi giăng giăng, dấu hỏi lặng thầm/ Bờ cỏ biếc, đọng chút gì lãng mạn/ Của mối tình đầu, lóng lánh, xa xăm” (Trong chiều giã biệt).

   Độc giả yêu thơ đọc “Một khúc trầm ca” tinh ý, dễ nhận ra: Khoảng thời gian trong ngày, Chiều, xuất hiện rất nhiều lần trong các thi phẩm ở tập thơ. Có đến 19 bài thơ nhắc đến Chiều trong tựa của các thi phẩm, cùng rất nhiều lần, từ Chiều xuất hiện trong các bài thơ khác.

   Có phải chăng, khoảng thời gian ấy trong ngày dễ gợi những cảm xúc dào dạt trong lòng nhà thơ, để tác giả Lê Thanh Hùng, nhiều lần đưa hình ảnh, sắc màu, bối cảnh của chiều vào trong những sáng tác của mình, và cũng từ đây, hướng độc giả vào những rung cảm cùng thi nhân. Có thể kể: Một chiều xa ở Sông Mao, Chiều họp mặt, Đò chiều, Em đợi chiều bên cửa sông Phan Rí, Một chiều hoa, Bên sông chiều giã biệt, Chiều xa, Chiều qua bãi Thương Chánh, Lưới chiều, Niệm khúc chiều, có một chiều Phan Thiết, Gió nam non trong chiều xa vắng, La Gi một chiều thu cũ, Chiều Phú Hài, Còn lại một chiều xanh…

   3. “Một khúc trầm ca” với 108 thi phẩm, chỉ có 6 bài lục bát. Và trong 6 bài ấy, chỉ có 1 bài được tác giả viết với 8 dòng thơ (Tan chợ em về, qua ngõ Hòn Rơm); còn 5 bài khác, mỗi bài chỉ có 4 dòng. Điều ấy, khác với những bài thơ khác, nhà thơ viết theo thể thơ mới, với nhiều khổ thơ ở mỗi bài.

   Có bài thơ lục bát, với 4 dòng, tác giả lại có cách ngắt nhịp, chỉ sau một từ mở đầu dòng, như: “Chìm trôi nỗi nhớ mờ xa/ Vắng, trên gối mộng nõn nà trăng nghiêng/ Qua, góc đời bước truân chuyên/ Cũ, rồi ảo vọng ngọt mềm môi ai” (Xa vắng). Lối ngắt nhịp như thế, tạo sự nhấn mạnh theo chủ ý của tác giả hướng người đọc theo mạch cảm xúc: đã xa rồi những tình cảm mặn nồng, giờ chỉ còn là nỗi nhớ của những người một thời yêu nhau.

   Ở một khung cảnh khác, một dòng sông vẫn mãi xuôi dòng, mà sao với người, giờ chỉ còn là khúc sông hiu quạnh, nào đâu những đắm đuối của thuở nào. Cũng với lối ngắt nhịp chỉ sau một từ ở đầu mỗi dòng thơ: “Bên bờ con nước liu riu/ Chảy, tràn nỗi nhớ quạnh hiu lối về/ Đâu, còn đắm đuối mải mê/ Thấy, chiều buông sóng vỗ về chân ai” (Chiều Phú Hài).

   Với câu chữ cô đúc, những hình ảnh sinh động và cảm xúc đằm sâu, gợi niềm thương nhớ cũ trong những thi phẩm lục bát của tác giả Lê Thanh Hùng là một trong những điểm riêng của thi tập.

   Nhịp điệu thơ cũng có những nét riêng trong một số bài ở “Một khúc trầm ca”. Điều ấy thể hiện ở: Đối với những bài thể thơ 7 chữ, tác giả sử dụng lối ngắt nhịp 3/4 liên tục ở nhiều khổ thơ trong bài. Đây là điều khá đặc biệt trong thơ Lê Thanh Hùng. Bởi, với bài thơ 7 chữ, có 6 khổ thơ, thì có đến 5 khổ thơ, tác giả sử dụng toàn lối ngắt nhịp 3/4. Đọc liên tiếp những dòng thơ chỉ duy nhất nhịp 3/4 dễ tạo cảm giác lạ nơi người đọc, người ngâm. Đây cũng phần nào tỏ bản lĩnh của người làm thơ, sau khi tác giả đã sáng tác nhiều thi phẩm với nhịp thơ đa dạng.

   Chẳng hạn, ở Niệm khúc chiều, với 6 khổ thơ 7 chữ, có đến 5 khổ, tác giả viết theo nhịp 3/4, đó là các khổ thơ số 1, số 2, số 4, 5, 6: “Rung không gian, thanh âm bơ vơ/ Giăng ngang chiều bóng nắng dật dờ/ Nghe em hát, nhảy dòng lạc điệu/ Bài tình ca đứt quãng dại khờ”… (Niệm khúc chiều).

   Ở một bài thơ khác, Một chút Huế bên chợ đêm Đà Lạt, bài thơ có 5 khổ thơ, thì đã có 4 khổ được tác giả viết theo nhịp 3/4: “Kìa chiều vỡ, phố phường giăng mắc/ Gió bấc lay, líu ríu quanh thềm/ Tay trong tay, từng đôi quyện chặt/ Rộn ràng chưa, hoa nở phơi đêm”…

   Cùng những bài thơ khác, nhịp 3/4 là chủ đạo như ở các bài: Em đợi chiều bên cửa sông Phan Rí, Lối cũ em về, Dặm đời em có tin ta, Còn lại một chiều xanh…

   Có thi phẩm 8 chữ mỗi dòng, nhà thơ cũng đã viết nhiều khổ thơ theo nhịp 3/5: Khổ 1, 3, 4, 5. Như ở khổ 1: “Bãi bờ xa, con sóng đổ lơ ngơ/ Bầy mòng biển ngang trời kêu chao chát/ Gió nam non thổi xô chiều đi lạc/ Ru mơn man trong nắng chảy bơ phờ” (Gió nam non trong chiều xa vắng).

   Từ ngữ trau chuốt, đẹp đẽ, đa dạng, giàu hình ảnh, mang lại nhiều cảm xúc nơi người đọc cũng là một trong những đặc điểm của tập thơ.

   Độc giả có thể tìm thấy điều ấy ở bài Trong chiều giã biệt: “Đâu đó ân tình, nặng lòng níu giữ/ Dẫu biết đời, còn lại những chênh chao/ Lời hẹn cũ, vọng bên đời ngấp ngứ/ Biết đắng cay, còn oằn đẫm sắc màu”.

   Hay ở bài Em treo tình trong nắng mùa thu: “Em trộn lẫn tình anh trong chiếc lá/ Vội vàng rơi đâu đó, dưới hiên nhà/ Dẫu đã biết dặm đường xa, trăm ngã/ Đau đáu nỗi niềm, nắng mới vờn qua”.

   Cùng ở một thi phẩm khác, có nét đẹp của cảnh, có sự gắn bó với tâm trạng của người, để xuất hiện trong Thu vàng qua ngõ vắng những lời thơ: “Trôi đi, ơi dòng sông hoa mộng/ Sẽ cồn cào phía biển ngoài kia/ Trong mênh mông tứ bề gió lộng/ Biển và sông không thể chia lìa”.

   Ở bài Đợi mùa thu đang tới, tác giả đã sử dụng từ bung biêng khi viết về nỗi nhớ, một cách dùng riêng lại phù hợp với ngữ cảnh của dòng thơ này: “Buông xuôi chưa? Một tầm xa diệu vợi/ Tháng với ngày và nỗi nhớ bung biêng/ Ngồi im nghe, gió mùa thu đang tới/ Buông thả bên đường, chiếc lá khô nghiêng”…

   Từ láy xuất hiện rất dày trong các thi phẩm ở tập thơ. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật trong thi tập. Từ láy đa dạng, làm tăng nét đẹp của hình ảnh, cảm xúc, thanh âm, sự hoạt động, nỗi lòng, trạng thái của các nhân vật trữ tình và cả của chủ thể trữ tình trong các bài thơ. Tiêu biểu là ở các bài: Trũng đêm, Một chiều xa ở Sông Mao, Lối cũ em về, Bâng quơ trong nỗi tình cờ, Trong chiều giã biệt, Phải đâu là bất chợt, Tuổi thơ trong mùa nắng hạn, Có một chiều xa, Điều gì mà tất bật, Em treo tình trong nắng mùa thu, Tháng năm xanh, Niệm khúc chiều, Dường như ngày thu cũ…

   4. “Một khúc trầm ca” của nhà thơ Lê Thanh Hùng góp thêm vào vốn những tác phẩm văn chương của Bình Thuận những bài thơ mang nhiều hình ảnh tươi đẹp, sắc nét, những tình cảm, tình yêu, những tâm trạng, nỗi lòng cùng những suy tư của tác giả trước việc đời, việc người. Tác giả quả đã rất dày công trong việc chọn lựa những ngôn từ nghệ thuật, cùng những hình thức biểu hiện khác biệt để nhiều bài trong thi tập mang dấu ấn riêng của người sáng tạo nên tập thơ.