Có một dòng sông trong tim

18/10/2024 00:00
38

NGUYỄN HIỆP


Dù có đang bay với tốc độ 900 kylomet một giờ trên bầu trời hay đang đứng yên, ngồi yên nơi phố làng xa xôi nào đó thì quê nhà trong tâm tưởng tôi vẫn không thay đổi. Đó là những bữa ăn sum họp của gia đình mình, là ngọn gió sau hè thương thuộc của ngôi nhà vách gỗ có nhiều sọc nắng, là con sông Phan quê hương xanh lụa là in ảnh hình thiệt sâu đậm vào tâm khảm.

   Phúc cho ai có một dòng sông trong tim mình! Bởi theo tháng ngày bươn chải áo cơm, ta cần lắm một dòng xanh gắn bó, là nơi lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ, là hình ảnh bịn rịn lưu luyến cuối cùng khi ta bắt đầu hành trình bôn ba xứ người. Dòng xanh ấy là nơi để ta quay về, để ta nương dựa mỗi khi nghiêng chao, té ngã. Và để một ngày khi tóc đã hoa râm, khi tâm đã tạm yên, chân chẳng còn muốn động, ta rón rén quay về tắm táp, rửa bớt bụi trần ai.

   Tôi đã hơn một lần vịn vào ký ức ấy, tựa vào dòng sông trong tim mình ấy mà đứng dậy, mà vượt qua sóng gió.

   Khi đó không phải Tết nhứt gì cả, chỉ là một cơn suy sụp tinh thần, bước chân tha hương của tôi tự dưng thả trôi tha thẩn về đến quê nhà. Sông Phan hiện ra trước mắt, nơi có chiếc cầu Khóm Một xiêu vẹo với vài tấm ván lắt lẻo, nơi thằng bé tôi của ngày xưa ấy đã phải vượt qua sợ hãi vừa đi vừa bò sang nhà cậu Hai tôi học những con chữ đầu tiên, học bài học khai tâm của đời mình.

   Tôi gọi một ly cà phê bên quán nhỏ bờ sông và cứ ngồi như thế để mặc làn gió sông mơn man. Đầu óc đang trống rỗng dần dần ngập tràn ký ức. Tôi nhớ má tôi kể đã gánh anh em tôi trong hai đầu gánh chạy băng trong đêm lửa đạn, mong thoát khỏi vùng chiến địa ác liệt, khi bước chân rã rượi lê được đến bờ sông này, má đã gục xuống. Má đã dồn sức cho những bước chân cuối cùng, khi biết không còn nguy hiểm, tức đã giữ được mạng sống của con mình, ngay bên bờ dòng sông Phan này má đã quỵ xuống vì kiệt sức. Ôi! Má tôi, người góa phụ thời chiến đã nhìn thấy, đã tin cậy vào sự bình yên nơi dòng sông quê hiền hòa này. Sau này, lớn hơn chút, tôi tận mắt chứng kiến những đêm hỏa châu với ánh hỏa châu chết chóc chói lòa in tận đáy nước, chứng kiến mặt sông rách toang ra vì tiếng cheo chéo và ánh đạn lửa đỏ lòm, tận mắt chứng kiến những đám tang năm, tang bảy qua cầu soi bóng u ám xuống dòng sông… Và cái ngày đi học xa tôi đã đứng soi bóng mình lẳng lặng, lắng nghe tiếng sông trôi. Nghe sông trôi. Nghe sông trôi để tin đi là để về. Và cũng nghe sông trôi để ước gì mình chưa từng lạc lối!

   Miền duyên hải Bình Thuận của tôi có nhiều sông Cái, sông Mẹ nhưng Sông Phan nơi tôi sinh ra và lớn khôn chỉ là dòng sông nhỏ lượn vòng theo chân núi Tà Cú rồi chầm chậm đổ ra cửa biển Ba Đăng. Nhiều lần ngồi ngắm lại dòng sông quê mình nhưng lần này, khi tuổi đời đã thực sự thu, đã thực sự xế, đã bước qua cái vòng “hoa giáp tý” nghiệt ngã, tôi mới thực sự thấm thía hai câu thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ:

   “Tôi thấy mình như bầu trời thấy mình qua dòng sông
   Muôn đời im lặng…”   

   Đây không phải là sự im lặng mơ hồ, đây là tiếng “Xin vâng!” khi hiểu sâu hai chữ “cuộc đời”, khi đã qua rồi bao giông gió, khi đã qua rồi bao thác ghềnh tham vọng trần ai. Người chủ quán cho biết mùa này nước biển dâng, toàn bộ miệt vườn hai bên bờ đang bị nhiễm mặn. Đào móc, nẹo vét chắt từng giọt nước khan hiếm để tưới cây nhưng không đủ đâu vào đâu, đào trúng ao nước mặn càng tưới cây càng nhanh chết. Nghe đâu có dự án làm đập ngăn mặn nhưng từ “nghe đâu” cho đến “thấy” là một quãng dài lắm… Chủ quán cà phê ven sông lại thở ra một hơi dài. Tôi hiểu, chừng này tuổi, hai ba màu tóc trên đầu sao tôi không hiểu đời sống người nông dân vẫn muôn đời cơ cực, sao tôi không hiểu miệt quê ruột rà của mình hết nắng bụi đến mưa lầy, giờ lại thêm nạn nhiễm mặn.

   Dù sông mặn hay ngọt, dù sông đục hay trong, dù con sông thương tật hay nguyên lành, dù bên lở bên bồi đã vài mươi lần đổi thay, đảo lộn cũng là dòng sông trong tim tôi bởi nó luôn chứa bên trong hồn nước ấy dòng sông ký ức của chính tôi, của má tôi, của gia đình và của những bạn bè đã cùng lớn lên với tôi trong một thời lửa đạn.