NGUYỄN VĂN MINH
và “Đôi cánh đời tôi”

18/06/2022 00:00
1169

MAI BÁ ẤN


Đam mê thơ từ thuở thiếu thời, đeo đuổi mộng thi nhân từ thời cắp sách và trên suốt hành trình dạy Văn, làm thơ của cuộc đời mình; cứ ngỡ thơ đã thấm đẫm vào, hòa lẫn vào người thơ Nguyễn Văn Minh. Vậy mà, đến chặng cuối đường thơ, người thơ kia lại nghĩ về thơ nhiều nhất, trăn trở cùng thơ nhiều nhất - Trăn trở, suy nghĩ một cách cẩn trọng, sâu sắc, chín chắn theo cái cách của người đã ngộ được sự gập ghềnh, gian khó để đến với thi ca.

 

   Không còn mộng mơ “một với tới trời” bằng tất cả lòng hồ hởi của tuổi thanh xuân, nhìn đâu cũng ra thơ, thấy cái gì cũng non tơ, rung cảm. Đến “Đôi cánh đời tôi” này, Nguyễn Văn Minh đã bắt đầu ngồi nhìn lại chính mình, đã biết “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Trịnh Công Sơn), đã biết tạ lỗi với người tình và với cả nhân gian vì “sức mình có hạn”: Em muốn thơ anh là những góc khuất cuộc đời/ Là bóng tối vì em cần ánh sáng/ Nhưng khổ nỗi sức anh có hạn/ Đành khép mình tạ lỗi với nhân gian! (Nỗi riêng). Đã nhận chân được sự thật, đã ngộ được sự bất lực của mình trước thi ca rồi, vậy mà cũng không chịu buông tay, vẫn cứ lặng lẽ mơ, vẫn cứ tự nguyện “xin làm người hát rong” (Trần Long Ẩn), làm tên “phu thơ phận cỏ” một cách chân thành - chân thành đến đau đớn cùng thơ:

 

   Xin cho anh được lặng lẽ mơ màng
   
Cho hết kiếp hát rong và phu thơ phận cỏ
   
Trời trót sinh anh - một hồn thơ bé nhỏ
                                                (Nỗi riêng).

   Chính sự đam mê như một phượng thờ nên mỗi lúc thơ không về là hồn người thơ biến thành hoang mạc: Thơ biệt ly ta, không hẹn ngày trở lại/ Nỗi buồn thương ray rứt ngỏ cùng ai?/ Thơ đã cùng ta chung một chặng đường dài/ Giờ sa mạc hoang vu hồn cỏ dại (Chạnh lòng). Thơ như hơi thở, như một cuộc tình. Với Nguyễn Văn Minh hồn không còn thơ thì đời trôi vô vị, vì như thế là tình đã mất, tri âm không còn, trong khi cuộc đời thì đang lẫn lộn vàng thau:

 

   Không còn thơ lòng ta xa xót mãi
   
Cứ ngẩn ngơ như mất một cuộc tình
   
Có còn tri âm cho thơ được hồi sinh
   
Giữa đen bạc chợ đời vàng thau trộn lẫn!?
                                        (Chạnh lòng).

   Bất lực trước thơ khi đời mình đã ngã bóng về chiều, đích đến chưa biết khi  mô về kịp, khiến món nợ lòng ray rứt cả tâm can: Thời gian lạnh lùng trôi/ Ta đường xa chân mỏi/ Bóng đã ngã chiều rồi/ Biết kịp về đích không?/…./ Tâm thức như vướng nợ/ Điều gì chưa trả xong/ Lúc bâng quơ ray rứt/ Khi bảng lảng tơ lòng? (Vương vấn tơ lòng). Nhưng may quá, khi ngộ ra được sự khó tính đến cay nghiệt điên cuồng mà đầy mê dụ của cánh  thơ, Minh vẫn còn chiếc cánh tình yêu và gia đình để làm nơi nương tựa. Cho nên, thời thanh xuân, đã bao lần bị “bảy sắc cầu vồng” thơ mê hoặc, không ít lần vì chiếc cánh phiêu bồng ấy mà tự phũ phàng chiếc cánh tình yêu. Giờ là lúc anh ngồi thú nhận: Anh biết mình đang đuổi theo chiếc cầu vồng bảy sắc/ Và cũng biết chẳng bao giờ chạm vào nó được/ Nhưng em ơi! Đó là thứ mà anh trót yêu và suốt đời mơ ước/ Chắc chẳng bao giờ phai nhạt được nó đâu. Dù vẫn biết “chẳng bao giờ phai nhạt” cùng thơ, nhưng cũng đã đến lúc, anh nhận chân ra được đã bao lần tình cảm gia đình bị chiếc cánh đam mê của thơ ca làm tơi tả, hư hao:

    Anh biết đời mình nhiêu khê lận đận
   
Bởi đam mê thành món nợ cuộc đời
   
Để em một mình gánh gồng đời mưa bão
   
Đêm lặng thầm xa xót nỗi hư hao!
                                 (Xin đừng trách anh).

   Nguyễn Văn Minh tự thú nhận, những va đập của “nỗi đời mặn chát” đã, đang và sẽ vẫn tồn tại trong thơ anh, đó là điều cần thiết của thơ. Nhưng đã đến lúc anh muốn tự cân bằng để giữa thơ và tình cùng chung một mơ ước: Anh sẽ gửi tiếp nỗi đời mặn chát vào thơ/ Và ôm ghi ta hát những tình ca ngày trước/ Đúng như điều em ước/ Đúng như điều anh mong. Nhưng tự chính nội tại lòng mình, anh đã cảm thấy ước mơ và hiện thực cứ dằn xé, mâu thuẫn lẫn nhau - một mâu thuẫn tự thân mà đớn đau đến quằn quại và “bỏng rát cả tim mình”:

   Có điều thơ anh lúc này chưa thật là thơ
   
Và anh hát cũng chưa thật là hát
   Anh cảm thấy tim mình sao bỏng rát
   
Vì ngày nay đã đánh mất ngày xưa!
                                            (Vâng em).

   Cũng hiếm có ai đam mê thơ đến đau đớn, quằn quại nội tâm như Nguyễn Văn Minh! Anh tự vấn mình và cũng tự bào chữa cho chính mình về những mâu thuẫn nội tại ngay giữa dòng chảy ngược xuôi của đời sống thi ca đương đại. Truyền thống hay Cách tân? Hướng nội hay Vọng ngoại?: Những hạt giống thơ truyền thống ngàn đời cha ông để lại/ Nông phu thơ miệt mài gieo trên cánh đồng nhà/ Giữa lúc có nhiều giống thơ ngoại quốc nhập qua:/ “Hậu hiện đại” và  “Tân hình thức”... Anh tự nhận mình là một nông-phu-thơ (không đơn thuần là phu thơ - phu chữ!). Và vì là một nhà thơ nông phu thuần khiết nên chỉ còn cách phải trăn trở “làm sao đây cho mới - cũ giao hòa”: Người nông phu thơ trăn trở/ Làm sao đây cho mới - cũ giao hòa ?/ Làm sao đây để tiếp nhận được những tinh hoa/ Mà vẫn không thất truyền hạt giống thơ truyền thống?. Nhưng lai ghép giống cây trồng đã là chuyện khó huống gì là lai ghép cho thơ. Và dường như, trên cánh đồng thơ, anh dù có ý thức lai ghép cũ - mới để canh tân “giống”; nhưng cũng dường như, nông-phu-thơ Nguyễn Văn Minh không đủ sức “hiện đại hóa phương tiện canh tân”… nên:

   Nông phu thơ chạnh lòng!
   
Ngẩn ngơ!
   
Bỡ ngỡ!
   
Nghe hồn mình lành lạnh lúc chiều buông!
                           (Tâm sự một nông phu thơ).

   Dừng lại bên bờ truyền thống, thơ Nguyễn Văn Minh lại trở về với những thi tứ và ngữ ngôn thân thuộc cùng những câu thơ rút ruột khi nghĩ về quê hương, về những người thân thuộc. Đó là nỗi nhớ da diết về chốn cũ khi làm thân lữ thứ, tha phương: Mưu sinh xa lắc phương trời/ Quê hương canh cánh bời bời nhớ thương (Phan Thiết, ngày trở về). Quê hương phía xa mờ cứ hiện về trong tâm khảm dù đang nương thân giữa đô thành lộng lẫy đèn hoa:

   Tôi đi giữa đô thành lộng lẫy
   Vẫn thấy dáng cha cày ruộng đẫm mồ hôi
   
Những con đường kín người hun hút khói
   
Nhớ dòng sông xanh thẳm lững lờ trôi  
                                              (Ngẫm).

   Đau đáu nhớ thương bàn chân trần của cha in trên đường làng lầy lội: Bàn chân trần của cha/ Trên đường làng mưa sa (Bàn chân trần của cha). Chơi vơi nỗi nhớ dáng mẹ hiền: Ôi! Dáng mẹ trong đời/ Thành nỗi nhớ chơi vơi/ Mẹ ơi! Con đã hiểu/ Lòng mẹ như biển trời (Dáng mẹ trong đời). Nỗi nhớ thầy cũ, bạn xưa… mà mỗi lần về thăm lại, là lòng cứ thốt lên như một tiếng gọi bầy:                                

   Ve ngân sầu khúc ly tao
   
Ắp đầy kỉ niệm xuyến xao ùa về 
   
Bao năm phiêu bạt lìa quê
   
Thầy ơi! Bạn hỡi! bây giờ còn ai?
                               (Về thăm trường xưa).

   Mở rộng cảm hứng sang chủ đề Tổ quốc, non sông, thơ Nguyễn Văn Minh lúc này cũng không còn quá bay bổng, hào sảng như xưa mà đã lắng trầm cùng nỗi khổ đã qua, niềm vui đang tới với ánh điện về làm sáng dậy cả vùng sâu tăm tối cùng khúc đồng dao theo trẻ đến trường: Tổ quốc mưu sinh - Tổ quốc phải đẹp giàu/ Bát cơm độn đã xa vào dĩ vãng/ Những vùng sâu đã bừng lên ánh sáng/ Trẻ “dung dăng dung dẻ” hát đồng dao. Còn là lòng yêu nước khôn nguôi, niềm tự hào sâu lắng về truyền thống gìn giữ non sông và niềm tin về một ngày mai dong ra khơi xa của con tàu Tổ quốc:

   Biển đảo quê hương như lòng mẹ ngọt ngào
   
Lính Trường Sa, lính Nhà Giàn đêm ngày gìn giữ
   
Luôn vững vàng trước những cơn sóng dữ
   
Cho con tàu Tổ quốc hướng khơi xa
                              (Xúc cảm tháng Tư)…

   Có thể nói, đến “Đôi cánh đời tôi”, thơ Nguyễn Văn Minh đã thật sự đằm sâu những triết lý cuộc đời. Xốn xang, khắc khoải với thời gian trôi mau mà đời thơ còn nhiều dang dở: Nhìn mây về cuối trời/ Ước chiều trôi chậm lại/ Lữ khách còn mê mải/ Bao vẻ đẹp trần gian/ Chiều dâng nghe bẽ bàng/ Có điều gì xốn xang/  Chiều ơi! Chầm chậm nhé/ Ta còn nhiều dở dang! (Ước). Và xót đắng với những thế thái nhân tình:

   Nhẫy tai thị phi kinh hãi một thời
   
phải trả giá cho phép tính sai thấm thía nhân tình thế thái
   
có những dã tâm, cũng có nhiều lòng nhân ái
   
ta càng ngày càng thấu cảm đời hơn
   
Dẫu sao cũng là chút ơn
   
bởi ta học được trường đời mà ở giảng đường xưa chưa từng được học
   
sự u mê phải trả bằng khó nhọc
   
có một thời như thế em nhớ không?!
  
                            (Dấu ấn cuộc đời).

   Có thể nói, đây là những câu thơ đủ sức nặng cảm xúc, đủ độ sâu triết luận, rất hiếm gặp trong những sáng tác trước đây của Nguyễn Văn Minh. Nói chuyện thế thái nhân tình mà không hề hằn học, cứ bày tỏ lòng mình như một trải nghiệm đớn đau và đầy ắp nhân tình. Chỉ là những “thấu cảm” về cuộc đời mà thôi!

   Những câu hỏi đặt ra trong thơ anh lúc này là những chất vấn về những vấn đề lớn thuộc phía bề sâu, bề sau của dòng đời đang cuộn chảy: Em hỏi anh:/ - Đất nước có rất nhiều nhà thơ/ Sao đi đường người ta tranh nhau từng tấc thế?/ Đất nước có nhiều nhà kinh tế/ Sao mãi chưa là nước giàu?/ - Đất nước có truyền thống văn chương và ngàn loại sách đủ màu/ Sao người đọc ngày càng thưa thớt?/ Em lại hỏi:/ - Đất nước có “rừng vàng biển bạc”/ và  “những cánh đồng thơm mát”/ Sao nhiều nông dân phải bỏ làng/ lang thang mưu sinh nơi này nơi khác? Tự vấn bằng cách để cho người khác hỏi mình, mục tiêu cuối cùng cũng chỉ để thể hiện nỗi bất lực của chính mình đó mà thôi:

   Anh lặng thinh ngơ ngác
   
Vì những câu hỏi của em
   
thông minh mà hiểm ác
   
Anh biết mình nhút nhát
   
Không trả lời được đâu...
         (Những câu hỏi của em).

   Anh như “con ngựa già mòn mỏi” trên lưng hằn chằng chịt vết đòn roi phận số: Con ngựa già mòn mỏi trên đường/ Lưng nó còn hằn những trận đòn số phận/ Nó đã hiểu vì sao đời mình lận đận/ Vì khi xưa nó có một dung sai. Biết mình đã chọn sai đường, nhưng nếu cho phép chọn lại, anh vẫn chọn nguyên “con đường đau khổ” ấy:

   Có lẽ giờ đây ngựa chẳng ngại đường xa
   
Trong cái khó nó quen dần cái khổ
   
Đời sương gió còn hơn đời tủi hổ
   
Nó quyết lao nhanh cho đến tận cuối đường
                      (Tâm sự con ngựa già).

   Thế mới lạ. Vì thế mới khổ đau, trăn trở. Và cũng vì thế mới chính là Nguyễn Văn Minh. Không thể nào trộn lẫn. Có lẽ, anh đã nói hộ nỗi lòng này cho rất nhiều những người đã từng gắn bó với thơ. Cứ như là một nghiệp dĩ đa mang.

   Cũng chính cái quằn quại khổ đau này mà thơ tìm ra hạnh phúc - một hạnh phúc đớn đau như một niềm an ủi khi biết tự cân bằng trong bi kịch chính mình: Thơ là em và em là thơ/ Nâng tôi bay đến những bến bờ/ Vượt qua vực thẳm đời giông tố/ Nuôi dưỡng hồn tôi xanh ước mơ. Và đến lúc này, người thơ đã xác định: Em và Thơ là “đôi cánh đời tôi”:

   Thơ là em, em chính là thơ
   
Có cả khôn ngoan lẫn dại khờ
   Có mọi vui buồn cùng sướng khổ
   
Thơ và em - đôi cánh đời tôi
                                   (Đôi cánh đời tôi).

   Khi đã có đôi cánh nương tựa một cách cân bằng, người thơ đã trở về với những an nhiên. Hơi thơ nhẹ nhàng và thanh thản lạ:

   Nay ta về giữa thiên nhiên
   
Cùng em sống trọn một miền trời thơ
   Chập chùng
   
sương khói
   
lửng lơ
   
Liêu xiêu đồi dốc
   
bến bờ liêu trai
   
Rừng xanh
   
hồ biếc
   
suối dài
   
Em như tiên nữ hoa cài tóc mây
                         (Ma Rừng lữ quán).

   Đến lúc này, những khắc khoải thời gian trôi không còn là “một câu hỏi lớn không lời đáp” như cụ Huy Cận nữa mà đã nối được hiện tại “tóc trắng mắt mờ” với quá khứ “dại khờ” bởi chính tình yêu tự trái tim mình: Giật mình thêm một ngày trôi/ Còn bao lâu nữa ta ngồi với thơ?/ Yêu em từ thuở dại khờ/ Nay đà tóc trắng mắt mờ còn yêu. Và cho dù, “bóng chiều” tuổi tác đã dần buông, đã đi gần cuối dốc đời thì tình yêu và tình thơ vẫn trong xanh như thuở ban đầu:

   Quê nghèo phiêu bạt liêu xiêu 
   
Nách mang tay xách bóng chiều dần buông
   
Đời đi đã cuối dốc đường
   
Mà hồn sao cứ vấn vương thuở đầu?!
                                            (Giật mình).

   Đó là một an-nhiên- thơ khi đôi cánh tâm hồn đã vỗ chung một nhịp: Em tần tảo nuôi anh/ Anh lận đận nuôi thơ/ Và thơ nuôi tình ta/ Càng ngày càng đậm đà. Dù cuộc sống còn lắm bộn bề, chưa thể nhàn nhã, vẫn còn bươn bả (tất nhiên!), nhưng người thơ đã tìm ra phương cách để “nuôi tình”:

   Em tháng ngày bươn bả
   
Anh cũng không nhàn hạ 
   Đâu dễ gì để có
   
Một bài thơ - Tình ca!
                             (Nuôi tình).

   Trong “Đôi cánh đời tôi”, chính Nguyễn Văn Minh đã khiêm tốn tự nhận “sức mình có hạn”, mình chỉ là một “người phu thơ phận cỏ”, “biết chẳng bao giờ chạm” tới đích của thơ...  Nhưng nếu được chọn lọc một cách kỹ càng hơn, mạnh dạn cắt đi một số bài hơi bị dàn trải cảm xúc, thì đây là tập thơ vừa đủ độ chín trong suốt hành trình thơ của Nguyễn Văn Minh. Nó đủ sức để đánh một dấu mốc mới trên con đường đi tới của thơ anh. Người bình dân đọc thấy thích vì những tình cảm chân thành, những nghiệm suy về nhân tình thế thái. Những siêu độc giả lại thích những suy ngẫm về thơ, mối quan hệ giữa thơ và đời của tác giả, và dường như, đã tìm thấy trong đó bóng dáng chính mình...

   Xin trân trọng giới thiệu thi phẩm “Đôi cánh đời tôi” của Nguyễn Văn Minh cùng bạn đọc xa gần…