PHAN CHÍNH
T uy có thời gian gần gũi, tiếp cận với những tác phẩm văn, thơ và hoạt động báo chí của anh nhưng để có một phác họa được diện mạo tương đối đầy đặn về Hồ Việt Khuê với quãng đường văn chương trên 50 năm, quả là không mấy dễ. Bởi lẽ, dưới mắt tôi trong sinh hoạt đời thường hay chỗ văn đàn rất khó gặp ở anh “xênh xang” hay thể hiện về mình. Hồ Việt Khuê là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2006 và hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận. Từ năm 1994- 2012 chính thức là phóng viên thường trú của báo Tiền Phong phụ trách địa bàn Bình Thuận - Ninh Thuận.
Lý lịch bản thân Hồ Việt Khuê thường gặp trên vài góc bìa sách đã xuất bản, ghi vỏn vẹn: năm sinh 1952, quê làng biển Phú Hài, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).
Thơ là trang đầu của nghiệp văn chương
Khi tập thơ Cỏ của Hồ Việt Khuê do Nxb. Hội Nhà văn phát hành năm 2016, người đọc sẽ ngỡ ngàng bởi đây lại là ấn phẩm Thơ đầu tay của anh. Thực tế, trước 1975 thơ của Hồ Việt Khuê đăng rải rác trên nhiều báo, tạp chí văn nghệ ở miền Nam và đến sau này thơ anh cũng đã định hình một phong cách riêng về tình yêu, giàu cảm xúc…
Tôi có ấn tượng nhất với bài thơ “Chiều đụt mưa ở chợ Mũi Né”, dưới bút hiệu Hồ Tà Dôn, anh viết: “có mưa, mưa ướt đôi đầu / đừng mưa ướt một mình tôi, đau lòng / tôi mang hồn ướt đi hong / hồn lên meo bởi nắng phương không người”. Đó là chùm thơ đăng trên tập san Đất Mới (Nhóm Văn nghệ Bình Tuy) năm 1973, ở tuổi 21. Nhưng với bài “Trong vườn quạnh quí oanh đã hót” trên tạp chí Tuổi Ngọc -1975, cũng đong đầy nỗi niềm với ngôn ngữ thơ dung dị, lãng mạn: “tôi cũng vừa nghe một tiếng chim / hót bất chợt trong vườn tôi một sớm / trong e ấp nụ xuân thì mới chớm / hương đêm còn quấn quít làn da / trái tình nở vô cùng bỡ ngỡ / sợi nắng sơ sinh cũng làm tôi e sợ / khi nắng tàn tôi run rẩy nhìn tôi”…Tuổi anh ngày đó còn quá trẻ, môi trường văn chương qua ấn phẩm văn học còn lắm hạn chế nhưng thai nghén ra những bài thơ cạn đáy lòng mình một cách chân thật như thế này phải nói là hay, là sang trọng…Tưởng chừng trong tình yêu thời trẻ của anh phải trải qua bao lần chợt đến chợt đi đã lay động trái tim lạc nhịp, bàng hoàng.
Tập thơ Cỏ với 39 bài thơ, tôi nghĩ đây không phải là những dòng thơ nối tiếp của Hồ Việt Khuê mà ở đó là những dấu chân khắc khoải, những vương vấn dạt theo cơn quặn thắt thân phận đời mình. Anh không trách đời, trách người như trong bài Tình Yêu Không Có Lỗi Bao Giờ, bởi vì sao: “Mắt che giấu bao điều không thể nói / Và một nỗi buồn chẳng dám buồn hơn”. Thơ Hồ Việt Khuê như thủ thỉ, ngậm ngùi và độ lượng: “Là khi anh bỗng trách mình / Đã làm già cỗi chút tình sơ sinh” (trong Tự Tình). Ngoài đời tôi từng biết anh khép kín những phiền muộn làm trĩu lòng và đau khổ. Bởi theo anh mỗi người đều có cảnh ngộ cay đắng cho riêng. Đọc những câu thơ tình như giỡn bóng, đùa trăng: “Em về vén váy qua sông / Bầy lòng tong lạc giữa dòng ngẩn ngơ / Cuối dòng anh cũng tơ mơ / Chờ trăng lặn ngắm hai bờ hoang vu” (trong Trăng Hoang Vu). Tưởng vậy, nhưng trằn trọc xót xa lắm chớ. Tôi nghĩ tác giả đã “trấn an” mình lúc nao lòng trong cô độc để “Chờ trăng lặn ngắm hai bờ hoang vu”. Anh có cách bày tỏ thương nhớ về những cuộc tình đi qua, những trắc trở nhưng không rơi vào bi lụy, thất thễu mà người đọc thấy ở đó sự tinh khiết, thiết tha: “Hình như em mới vừa hai mươi / Sông lắng phù sa màu mỡ cho đời / Hiền diệu một dòng sông êm ả / Sông dài cuồn cuộn nhấn chìm tôi” (trong Hình Như Em) hay chỉ thấp thoáng đâu đó chút hoài niệm tình sầu: “Lưng đáy chén quán chiều tơi tả / Mắt em sâu gió núi lộng về / Quanh ta vũ điệu vàng cây cỏ / Nhạc đời hai ta em có nghe” (trong Quán Chân Núi). Những câu thơ rất dí dỏm nhưng nghiệm ra bao chất chứa, tinh tế của cuộc tình: “Mộng mơ em. Mộng mị anh / Mộng không chung mộng, nên thành người dưng / Người dưng nhưng bởi đã từng / Yêu nhau nên cứ lừng khừng đời anh” (trong Mộng). Ngôn ngữ thơ anh như nói, rất đời nhưng cũng là hình ảnh dung dị, gần gũi thật sự với anh như người xưa nói “văn tức là người”…Trong tập thơ “Cỏ” tôi bất ngờ nhất với bài Yêu, chỉ với 4 câu đủ cảm nhận được tính cách Hồ Việt Khuê, hồn nhiên mà đắm đuối: “Đầu sông em tắm khỏa thân / Cuối sông con nước tần ngần chẻ hai / Anh qua bao suối sông dài / Dong thuyền tìm vớt hương ngoài đại dương”- như một lời thề chung thủy dễ thương dẫu biết đó là mênh mông bất tận.
Trong thơ anh cũng đâu đó nhuốm màu cô đơn của kiếp phù sinh, tĩnh lặng để nỗi buồn khép kín, sâu lắng trôi theo bóng đời mình:
Ở bên núi hồn tôi xanh sắc núi
Thương cánh chim lạc bóng chân mây
Ở bên núi thèm mình là cây cỏ
Tâm hồn tôi - Căn nhà trống gió đầy.
Căn nhà trống nhiều khi hoang lạnh quá
Bức tường rêu ám tiếng thở dài
Nơi thềm vắng bóng chiều ngoái lại
Chút nắng tàn lay lắt đọng không phai
(trích - Gió đầy trong căn nhà trống)
Nhưng khi đã yêu cũng mãnh liệt, nồng nàn:
Nằm nôi bé đã biết sầu
Nên đôi mắt ướt rầu rầu lá răm
Nụ hôn còn điếng tay cầm
Soi trong mắt bé biệt tăm bóng tình.
(trong Cỏ - Mắt lá răm)
Đọc thơ Hồ Việt Khuê từ những bài cách đây trên 50 năm, ở độ tuổi 20-23 và cho đến bây giờ, ở anh vẫn một giọng thơ tự nhiên, mộc mạc như mây trời lãng đãng, càng thấy tâm hồn anh không thể cam chịu, mòn mỏi theo với thời gian.Vẫn giọng thơ đó mà đằm thắm, mong manh không cần phải “hiện đại” mình bằng kiểu lên gân đa đa siêu thực…
Văn truyện với nỗi nhớ ầm ào xứ biển
Tập truyện đầu tiên của Hồ Việt Khuê phải kể đến Chiếc Áo Bà Ba Cổ Trái Tim do Hội VHNT Bình Thuận xuất bản năm 1993, sau đó tập Có Gì Không Mà Tặng Bông Hồng- Nxb Đồng Nai 1995… Năm 1996 Nxb Kim Đồng xuất bản tập truyện vừa Ở Biển. Đối với việc in ấn tác phẩm văn học của một tác giả tỉnh lẻ bấy giờ khá khó khăn. Nhưng Nhà xuất bản Kim Đồng đã “để ý” đến những câu truyện về lứa tuổi mới lớn, lứa trẻ thơ bỡ ngỡ với trang vở mà lại lăng xăng bên rổ cá, mạn thuyền vừa cập bến ở cửa biển mỗi hừng đông. Thế giới trẻ thơ ở làng biển Phú Hài quê anh biết bao điều để nói vừa ngộ nghĩnh vừa xót xa, khó cầm lòng trắc ẩn. Rồi tiếp mấy năm sau, Hồ Việt Khuê với các tập truyện ngắn Lá Thư Trong Vỏ Ốc (1999), Đêm Ngọt (2003 và tái bản năm 2005) cũng do Nxb Kim Đồng và tập Chia Tay Đồi Dương- Nxb Văn Nghệ, 2005… Đề tài này qua tác phẩm của Hồ Việt Khuê như một bầu trời đầy cảm xúc bởi sóng và gió từ biển khơi để đánh thức tình người đã bao đời làm nên mảnh đất tựa lưng dưới dãy đồi Bà Nài, chập chờn bóng tháp Chăm xưa. Chỉ có tác giả ruột rà với nơi mình chào đời, với những bước chân lẫm đẫm ở đây mới thấm thía được cái tình người chân chất, hồn nhiên. Chỉ mỗi cái tít của các truyện trong tập Biển Ngọt Ngào (2011): Ước mơ làng quê, Lá thư trong vỏ ốc, Bay lên từ bãi bồi…chưa đọc đến nhưng đã thấy một khung trời tuổi thơ luôn thổn thức trong tình cảm của tác giả qua cách biểu đạt rất riêng, đặc trưng cốt cách của người vùng biển dân dã thật thà, bộc trực. Mỗi câu chuyện là một mảnh đời, một nghĩa cử, một giấc mơ… mang tính nhân văn, tình yêu thương và lòng nhân ái. Hồ Việt Khuê ngoài đời sống giản dị, xuề xòa, đôi lúc pha trò tưng tửng. Anh đứng ngoài những tranh luận thường gặp ở chỗ bạn bè dù “đầy bụng” chuyện thời thế đông tây…Nhưng trong tác phẩm anh vẫn có những cái nhìn tưởng đùa, châm biếm nhưng nghĩ ra thật sâu sắc, tinh tường: “Lời nguyền nào cũng có câu hóa giải. Tình yêu chân chính sẽ hóa giải mọi lời nguyền, dù dữ dội cách mấy” (trong tập Đêm Ngọt- trang 109).
Rồi cũng đến một ngày tuổi lớn: “Em như biển, thoát đó nổi sóng. Gió lặn sâu trong nước xô sóng chồm lên ào ạt đôi bờ. Em như gió, thoát đó giận hờn. Dương liễu vặn mình hú từng hồi dài bực tức. Cát bay vào cả hai mắt anh vì anh mãi nhìn em say đắm. Còn em đã khôn ngoan giấu đôi mắt mình sau mái tóc dài. Em lấy đuôi tóc che ngang nhưng anh biết sau những sợi tóc đen mịn màng óng ả kia có đôi mắt đen tròn nhìn anh lạ lắm…” (trong Chia tay Đồi Dương - Nxb Văn nghệ, 2005).
Với các tập truyện ngắn Những Ngày Trở Gió (Nxb Hội Nhà văn- 2018), Bàn Tay Ấm Và Thơm (Nxb Hội Nhà văn- 2022) hoàn toàn có sự khác lạ và điều này cũng không mấy ngạc nhiên khi bối cảnh xã hội bị tha hóa về nhân cách con người, đối tượng đã trở thành chất liệu từ những góc khuất, nghiệt ngã mà trong quá trình lăn xả với nghề báo đã có sức ảnh hưởng đến ngòi bút của anh…
Truyện “Không tìm thấy biển” trong tập Những Ngày Trở Gió, với người đọc cũng có thể liên tưởng đến một thời kỳ nhiều làng biển ồ ạt nằm trong quy hoạch các dự án du lịch với triển vọng thay thế bằng các khu resort, hotel, nhà hàng và cả sân golf mọc lên… để đón khách nghỉ dưỡng tây ta tấp nập về đây. Người ông từ chủ đất trở thành lão già làm thuê cắt cây vườn cho một biệt điện, phải bối rối trước câu hỏi của thằng cháu chưa một lần thấy biển bởi bị ngăn cách những bức tường rào trưởng giả. Ông thật thà đưa cháu đến một nơi khá xa để cho cháu “đã thèm” nhìn thấy biển. Nhưng thằng cháu nói “Biển chỗ này không đẹp chút nào, không có nhà lầu nào cả!”. Nó nói đúng, bởi biển ngày đó hoang sơ, êm ả…kể cả ly nước dừa xứ mình nổi tiếng cũng nhạt thếch không được như xưa. Chính ông vẫn thắc mắc sao họ bịt kín mặt biển… Nhưng có người bạn nói ra làm ông vỡ òa: “Vì…tấc đất tấc vàng”. Tương tự với các truyện Ông Cuội cười, Lão nông ở nhà tầng, Bà Chem chép…trong tập cũng chất văn bình dị, gần gũi phong thổ quê nhà. Nhiều câu chuyện dưới ngòi bút của Hồ Việt Khuê có được từ sự quan sát, thấu cảm bằng tấm lòng nhân hậu. Từng có những truyện ngắn 100, 1000 chữ nhưng khoảng năm 2020, báo Tuổi trẻ mở chuyên mục truyện ngắn 1200 chữ, cũng là một thách thức những cây bút viết văn và đặc biệt với giới hạn như thế. Đã là truyện, ngắn hay dài đều phải có nền tảng cốt truyện, nhân vật, tình tiết…và súc tích nhưng đây không khéo lại sa vào đoản văn, tạp bút...Thế mà Hồ Việt Khuê đã có 20 truyện được chọn đăng tải. Đó cũng đúng với tính cách và sự tinh tế của anh.
Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc trên chồng tác phẩm đã xuất bản của Hồ Việt Khuê còn mấy tập bản thảo dự định sẽ ra mắt, nhưng trước hết là “Tuyển tập Truyện Ngắn Thiếu Nhi” với 17 truyện mà anh coi như còn nợ. Tôi tin rằng với tâm hồn và bút pháp mềm mại của anh sẽ giữ được mạch cảm xúc, chắt chiu dành cho tuổi trẻ như anh đã từng…
Giữa năm 2022, Hồ Việt Khuê cho ra đời tiếp tập truyện Bàn Tay Ấm Và Thơm… (Nxb Hội nhà văn) - Cái tựa nghe là lạ, 22 truyện, thấp thoáng nét quê dịu dàng của những nhân vật nữ trong truyện. Trong cái lành lạnh, sương bay của Đà Lạt, “Thơm quá! Vậy là sau hơn ba mươi năm, anh cũng được hôn bàn tay ấm và thơm mùi trứng vịt lộn của em. Kết luận là nếu người ta thật lòng yêu nhau, thế nào người ta cũng được ở bên nhau không ở kiếp này thì…ở kiếp sau!” - cũng là đoạn kết câu chuyện của “Bàn tay ấm và thơm…” được chọn làm tựa tập. Câu chuyện tình thơ mộng có thực hay hư cấu, dù thế nào xem ra cũng ngọt ngào và có hậu. Với truyện “Được hôn… đừng kể” nhân vật nam ở tuổi vừa lớn, yêu thầm một bạn học cùng làng nhưng trên hai lớp, tức tuổi chị rồi. Xa nhiều năm, nay gặp lại chị đã có chồng con nhưng không mấy hạnh phúc. Nhân vật xưng tôi, nhớ lại do một lần chở chị bị ngã xe, anh ta phải nằm bệnh viện và chị Nhung vào thăm. “Tối đó chị đến thăm tôi, khuấy ly sữa nóng nài nỉ tôi uống nhưng tôi làm nũng bắt chị phải đút từng muỗng nhỏ. Chị chiều tôi, khi tôi uống xong muỗng sữa cuối cùng chị lấy khăn ướt lau bên má không bị thương của tôi, tôi bất ngờ chị cúi xuống đặt lên đó một nụ hôn. Tôi cuống quýt đưa hai tay muốn ghì đầu chị vào sát mặt tôi để môi tôi vụng dại tìm môi chị nhưng một luồng khoái cảm bất ngờ tràn ngập làm tôi run rẩy toàn thân”…(lời nhân vật). Một chuyện tình lãng mạn, nhưng rồi chỉ còn trong nỗi nhớ mà thôi. Cùng một trạng thái với tuổi yêu đầu đời ở các truyện Đêm ấm áp, Xị nước mắm lú, Đi tìm giấc mơ hay Hai người đếm sao…là những mối tình buồn mà để lại cho nhau sự bao dung, trong sáng!
Những tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Hồ Việt Khuê
Cho đến tập tiểu thuyết Làng Chài, Sóng Và Gió do Nxb Hội Nhà văn phát hành cuối năm 2023, là thể loại mới đối với Hồ Việt Khuê. Nhưng chứa đựng nội dung trải dài một chặng đường sôi động lẫn những chuyện bi hài ở làng biển quê nhà. Như nhà văn Đình Hy (nguyên Phó chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Ninh Thuận) đã nhận xét: “…bối cảnh không gian chỉ quanh quẩn ở một làng chài ven biển, song khi gấp sách lại, người đọc có thể thấy một hiện thực “phong ba” dữ dội một thời kỳ trong mạch ngầm cuộc sống ở ngôi làng bé nhỏ này”. Vốn dĩ “cái tạng” thâm trầm, từ ý tưởng đến khi hoàn thành bản thảo tập tiểu thuyết này có đến 5 năm. Nhưng qua sự kỹ càng của nhà xuất bản lật lên, đặt xuống …và dù với cái nhìn đa chiều thì vẫn phải coi đó là vấn đề lịch sử của một thời bao cấp.
Hồ Việt Khuê như tôi biết đã có 18 năm làm báo. Anh rong ruổi khắp hai tỉnh Bình Thuận- Ninh Thuận thuộc vùng đất cực Nam Trung bộ. Trước đây thường nghe “Báo nhất thời- Văn để đời”, với nay không hẳn là đúng. Thực tế có sự bổ sung nhau vì đều nhắm tới mục đích cho sự tốt đẹp của cuộc sống xã hội. Nhà báo Hồ Việt Khuê quá rõ về một vùng đất, gặp không ít hoàn cảnh đời bất hạnh, thiên nhiên khắc nghiệt mà vẫn nuôi bao giấc mơ, kỳ vọng trong cuộc sống. Cũng từ đây anh được khơi dậy mạnh mẽ những cảm xúc và thái độ biểu hiện qua các trang văn. Các tập truyện dành cho tuổi thiếu nhi, tuổi mới lớn lần lượt ra đời và các tập truyện Những Ngày Trở Gió, Bàn Tay Ấm Và Thơm… Gần đây với tập tiểu thuyết Làng Chài, Sóng Và Gió có một “hàm lượng” về bối cảnh xã hội của một thời mà Hồ Việt Khuê đã trải nghiệm và bày tỏ ở một tâm thế của thân phận con người đứng về phía chân thật, lẽ phải. Với chất văn có duyên, nhẹ nhàng, tác giả đã tạo nên sức truyền cảm đối với người đọc. Nhà văn nào cũng luôn bận lòng cho một tác phẩm hay, có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội. Những tác phẩm văn học của Hồ Việt Khuê đã phần nào lý giải được.
Duyên Văn, nghiệp Báo…
Chừng đó năm làm báo là quá dài, nhưng theo tôi nghĩ với Hồ Việt Khuê chưa bao giờ coi là cái nghề mà là cơ may có cái duyên nghiệp và cơ hội để khám phá, thấm thía những lát cắt mảnh đời, những oan trái cay đắng trong cuộc sống xã hội… Anh kể, khởi đầu con đường văn chương, những tập truyện nho nhỏ được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành và may mắn có tên trong một giải thưởng văn học viết về thiếu nhi- “Tác phẩm Tuổi Xanh” 1992. Sau đó anh được lãnh đạo Văn phòng phía Nam báo Tiền Phong tuyển chọn làm Phóng viên thường trú 2 tỉnh Bình Thuận- Ninh Thuận. Anh không có gì băn khoăn và tự tin với công việc mới này. Hơn nữa đây cũng là dịp để tiếp cận, trải nghiệm, thực tế ngõ ngách sự đời rất cần thiết nhiều chất liệu phong phú cho niềm đam mê sáng tác văn học. Anh biết cân bằng, bởi báo có sứ mệnh của báo, là đi đến tận cùng sự thực nhưng với văn học thì phải biết khao khát về giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật của tác phẩm. Cho nên với anh đó là sự đồng hành khá thú vị cùng mục đích vì những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Đôi lần vào những năm 1997- 2003, tôi có dịp gặp Hồ Việt Khuê cùng vài nhà báo nổi tiếng và chịu lăn lộn với nghề như Đặng Ngọc Khoa, Trung Phương, Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Hồng Lam, Cao Thuyên, Trần Mỹ, Phương Nam, Huỳnh Thanh…mới thấy bên cạnh “tác nghiệp” của nghề, họ không khác gì những “nghệ sĩ”, nhưng khi đối mặt với không ít vụ gây cấn phức tạp thì họ cũng có thể trở thành “hiệp sĩ”... Hồ Việt Khuê trong số đó và đã có những dấu ấn sâu sắc trong nghề báo đời mình.
Năm 1994, Hồ Việt Khuê khi gia nhập đội ngũ báo Tiền Phong, anh mở đầu với phóng sự điều tra vụ Bưu điện Bình Thuận: “Những số điện thoại ma” phơi bày tình trạng gian lận cước điện thoại của khách hàng bằng cách chèn những số điện thoại “ma” mà cho thuê bao không quen biết, không hề gọi để tính cước cho thuê bao, cũng như lập trình tính cước cuộc gọi 33 giây thành 1 phút để gian lận tiền của khách hàng. Dư luận rất hả hê vì từng gặp phải chuyện bức bối này, nhưng để khiếu nại cho ra lẽ thì cũng chào thua với cách giải thích về sự ưu việt của kỹ thuật hiện đại. Nhưng báo Tiền Phong do phóng viên Hồ Việt Khuê viết bài phanh phui. Đối với một tỉnh lẻ hồi ấy thì hiếm có. Cơ quan Cảnh sát kinh tế Công an Bình Thuận vào cuộc và kết luận Bưu điện Bình Thuận gian lận của khách hàng. Cục Thuế Bình Thuận ra quyết định nộp thuế số doanh thu tăng thêm và xử phạt…
Từ những bức thư, đơn từ vô vọng của một số người dân ở huyện Tánh Linh (Bình Thuận) tố cáo tình trạng phá rừng, khai thác gỗ quý đang diễn ra gần như công khai trong năm 1995. Với bài điều tra đăng trên 2 số báo Tiền Phong của Hồ Việt Khuê vụ “Tàn sát rừng” gây chấn động. Được vậy, anh phải cùng vài anh em đồng nghiệp theo chân những công dân vì quá bất bình nạn phá rừng trực tiếp dẫn đi len lỏi qua từng con suối, trèo lên sườn núi để tận mắt thấy những thân cây cổ thụ với thớt gỗ còn rướm nhựa vừa bị đốn ngã…ở rừng phòng hộ Trị An. Anh có 2 lần băng rừng, băng suối trong sự hiểm nguy đang rình rập của những tay lâm tặc được thế lực ngầm tiếp sức, tung hoành cả một địa bàn từ nhiều năm nay nên phải đi đến cùng. Tháng 9/2005, Đài VTV1 phát chương trình Người Đương Thời với tiêu đề “Những người cứu rừng” và nhân vật là phóng viên báo Tiền Phong - Hồ Việt Khuê và một nữ công dân Tánh Linh - chị Đinh Thị Thu Hường được ca ngợi là những người dũng cảm. Vụ án vỡ ra nhiều tình tiết khủng khiếp, cả một đường dây cấu kết với nhau, tàn sát trên 52 ngàn mét khối gỗ rừng phòng hộ Trị An với 35 bị cáo hầu tòa.
Trên báo Tiền Phong 28.10.2000 ghi lời anh: “Tôi (phóng viên Hồ Việt Khuê) và nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (công tác tại báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh) lên chuyến xe đò Phan Thiết - Phan Rang vào một buổi sáng tháng 10.2000. Trong ba lô của tôi có lá đơn kêu cứu của cụ Huỳnh Văn Truyện, đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành, phạm nhân đang thụ án ở trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) và báo cáo của ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh gửi các cơ quan tố tụng về việc anh Nguyễn Phúc Thành tố giác tội phạm”. Từ lá đơn này càng củng cố thêm những cơ sở tài liệu của phóng viên các báo đã kiên trì, bền bỉ thu thập đã góp phần chứng cứ quan trọng để giải oan cho người tù bị 2 án giết người Huỳnh Văn Nén…”. Bài tường thuật kín cả trang báo, đọc mới thấy tự hào về một nhà văn Hồ Việt Khuê, tuy ở thời kỳ còn là một nhà báo “trẻ” mà có những đóng góp đáng kể đối với vụ phá án lớn này, giải oan cho Huỳnh Văn Nén người tù oan 17 năm và 8 người bị liên can đã được kết thúc, mà theo báo Tiền Phong giật tít loạt bài “Hành trình giải oan xuyên thế kỷ”.
Những bài báo của Hồ Việt Khuê luôn ắp đầy cái tâm thanh thoát bởi một nỗi niềm về sự chân thật, bản tính thiện của con người. Liên hệ những câu chuyện, bài thơ của anh cho thấy ở anh một tấm lòng thấm đậm tình người và luôn hướng đến giá trị cao cả. Có thể nhìn về Hồ Việt Khuê để nói, anh hội tụ được cả hai cốt cách giữa báo chí và văn học vào tác phẩm sáng tạo văn chương của anh. Đó cũng là những giấc mơ của mỗi đời người.
PHỤ LỤC
Thơ HỒ VIỆT KHUÊ
***
TẶNG MỘT NGƯỜI MỖI CHIỀU
ĐẾN CHÙA TỤNG NIỆM
Sân chùa anh đứng nghe kinh
Tiếng chuông tiếng mõ tiếng tình đan xen
Tòa sen có kẻ mon men
Rủ rê con Phật bon chen nợ tình
Sân chùa anh đứng nghe kinh
Ngẫm thương thân phận chúng sinh bao đời
Thương em góa bụa lâu rồi
Nhớ câu kinh kệ quên lời bướm ong
Sân chùa anh bước lòng vòng
Tiếng chuông tiếng mõ tiếng lòng đan xen
Phật cười rung cả tòa sen
Thương anh vất vả gây men ái tình
Sân chùa anh đứng một mình
Chôn kinh giấu mõ theo tình… Bớ em !
(2020)
_________
QUÁN CHÂN NÚI
Nắng tái trên môi cô hàng nước
Nhạt thếch trong ta hớp rượu đầy
Cỏ vàng phai từ mùa chinh chiến trước
Hồn oan còn lẩn khuất đâu đây
Quán chân núi em chôn đời thiếu phụ
Mây tang thương không ngớt đuổi nhau về
Ta với rượu cùng êm đềm ngày cũ
Nhìn bóng mình lay lắt cuối trời quê
Chút êm đềm ngày xưa chợt lắng
Quán em nghiêng, ta mắt quạnh màu chiều
Ta muốn quên đi quên tất cả
Em còn gì ngoài quán lệch nhốt đời xiêu
Lưng đáy chén quán chiều tơi tả
Mắt em sâu gió núi lộng về
Quanh ta vũ điệu vàng cây cỏ
Nhạc đời hai ta em có nghe
Ta vừa mơ ta vừa mơ thấy
Tay ai lăn chậm bánh xe đời
Rượu chân núi tiễn ngày nông nổi
Mai vàng đồi mây trắng chơi vơi.
(1974)
_________
TÌNH YÊU KHÔNG CÓ LỖI BAO GIỜ
Anh muốn khóc trong lần ta gặp lại
Em tươi cười như không thể vui hơn
Mắt che giấu bao điều không thể nói
Và một nỗi buồn chẳng thể buồn hơn.
Em sẽ khóc khi anh rời ghế đá
Dưới tàng cây lá úa rụng bao mùa
Bụi kỷ niệm quanh đời ta lả tả
Góc vườn xưa hai đứa quá già nua.
Em vẫn đứng phía bên này vạch cấm
Vạch cấm mà em đo vẽ cho mình
Em tự nguyện xây cho mình ngục lạnh
Nơi chốn để em giam hãm cuộc tình.
Anh vẫn biết lâu rồi em đã khóc
Bởi làm sao em lừa dối chính mình
Anh vẫn biết nhiều đêm em trằn trọc
Bằng cách nào xua đuổi bóng hình anh!
Anh sẽ đợi như kiếp nào vẫn đợi
Dù muộn màng, dù tóc đã phai thu
Bởi tình yêu không bao giờ có lỗi
Ta đợi nhau một nụ hôn đầu.
(2018)
__________________
BẠN VĂN NÓI VỀ VĂN - TRUYỆN CỦA HỒ VIỆT KHUÊ.
* Với nhà văn NGUYỄN THỊ HOÀNG BẮC
(Hoa Kỳ)
“…Gọi người yêu cũ mà mình vừa yêu vừa ân hận, và vẫn còn yêu da diết, là quỷ cái, là con quỷ cái khi cả hai đã đều đã tay bồng tay mang gánh nặng gia đình: "... Đôi lần, gặp con quỷ cái ra biển một mình, dáng em nghiêng trên đồi cát, tóc rối xõa đầy vai, lòng tôi bỗng trở gió. Đã ba con mà em vẫn mặn mòi. Và tôi nhớ lại..." (trg 11). "Quỷ cái" bỗng như có chiếc đũa thần chạm vào, quỷ cái đột nhiên biến hóa thành nàng thơ sương khói lung linh trong cái tình huống dở cười, dở khóc, dở thương, dở giận... của đôi bên!
Để "tự giải tỏa" cho cái lối kết tội hấp tấp hồ đồ dám ngờ là tác giả có thể... hụt hơi lúc ban đầu, tôi đoán mò là Hồ Việt Khuê chắc có lúc đã làm báo hoặc làm phóng viên gì đấy… Cái nghề phóng viên cho phép người viết đi nhiều, thấy nhiều, tiếp cận nhiều nên không cần dông dài, nhà văn với kinh nghiệm phóng viên Hồ Việt Khuê đã tặng gửi người đọc những lát bánh tươi mới muôn màu muôn vẻ của các hiện thực sống động, tình tiết sống động, ngôn ngữ sống động, và đề tài là muôn hình muôn vẻ của thực tế đa đoan.
Thấy nhiều, biết nhiều, tác giả kể chuyện thiếu điều hụt hơi nên hơi đâu mà dông dài. Từ chuyện này thoăn thoắt kể sang chuyện khác, người khác, có khi cũng là trùng lặp đề tài, nhưng câu chuyện thì vẫn muôn màu muôn vẻ.”
* Với Nhà phê bình văn học NGUYỄN AN
(Hà Nội)
“….Có vẻ như Hồ Việt Khuê “hay nhặt được những chi tiết giữa đời thường” mà dựng thành truyện. Trong mỗi chúng ta cũng khối ra đấy thôi, nào chuyện mất đất nhà vì dự án, nào chuyện con cháu quanh ta đi học bằng xe gì, đến lớp thì vui nhộn hay bức bối ra sao… Nhà văn “nhặt được nhiều chuyện” là thường, vì họ vốn chịu quan sát, nhưng nhà văn mà có nhiều chi tiết thực, thì mới ghê. Hồ Việt Khuê có nhiều chi tiết ông tha hồ lựa chọn mà làm cái mở đầu, cái kết thúc hay đoạn chuyển tiếp tự nhiên như không vậy.
Ví như ở truyện Ghẻ, (có gì mà kể mà thành truyện?). Ghẻ thì gãi, luôn tay như đánh đàn, ai chả biết. Nhưng mới “áp mặt vào bộ ngực của cô tiếp viên” mà vùng ra vì vừa chợt nghe tiếng thằng bé con cô đói quá kêu đòi ăn thì có bình thường hay không bình thường? Đến bữa sau, có bạn rủ đi bia ôm quán khác, người này vẫn đến quán cũ, là sao? Không lẽ đến để đòi lại tiền boa hôm trước? Truyện kết thúc với chi tiết: Ông này đến cốt để cho mẹ con cô tiếp viên lọ thuốc trị ghẻ bởi hôm trước ông thấy kẽ tay cô cũng có mụn ghẻ. Cái tứ ghẻ lây truyền khắp làng vì cả làng cả vùng bị ô nhiễm bẩn thỉu hệt như bia ôm cũng là một thứ dịch như dịch ghẻ của truyện đã được vỡ thêm ra rồi. Truyện có kết mà chuyện chưa dừng.
Lại có chuyện nữa, là chuyện nhà vệ sinh ở trường học, thật là “thôi rồi”. Bé kia quyết xin đi học trường khác vì khu WC này hôi hám quá mà, còn đa số bé khác, nhà nghèo thì ráng chịu. Thầy giáo ra đề tập làm văn: “Em hãy tả khu WC trường em…”. Nửa lớp viết: Khu WC trường em sạch sẽ, bóng loáng, thơm tho (vì chép bài văn mẫu). Nửa khác viết như đã từng biết. Riêng một em lớp phó viết: Các thầy cô thường hô hào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, mà trong trường ta phải hít thở hàng ngày như vầy… Thế rồi trường có sáng kiến thành lập Tổ kiểm tra- phát hiện kẻ làm mất vệ sinh, chứ không hô hào chung chung nữa. Cậu học trò lớp phó được tín nhiệm cử làm Tổ trưởng. Cậu hỏi thầy giáo: Vậy hành động cụ thể là ta phải rình trước cửa cầu tiêu a thầy?
Chỉ mấy chi tiết, thấy “sáng ra”, rõ ra bao thực trạng và vấn đề.
Nhà văn hẳn là có dụng ý khi đẩy tiếp chi tiết nữa: Hay là ta phá khu WC cũ kĩ hôi hám kia đi, xây khu mới, và thiết lập nội quy kỷ cương ngay từ đầu? (Truyện Ông thầy WC)
Đọc các truyện trong tập Những Ngày Trở Gió, được hiểu thêm sự đời nơi nọ nơi kia đã đành, mà đôi khi, cũng như bị sa vào tình trạng “khó nghĩ”. Hay là đừng học cái lối viết hiện thực phê phán từ thời ông Nguyễn Công Hoan này nữa? Nhưng chạy đâu cho khỏi trời nắng đây?”.
…………
“…... Hồ Việt Khuê ở với quê cực Nam Trung Bộ thật lâu bền. Vốn sống của ông cứ đầy đặn giàu có mãi lên. Lời quê - là hồn cốt của quê, ông cũng thuộc. Có lẽ đấy là nguyên cớ chắc chắn để truyện ngắn của ông dễ đọc, dễ vào. Nói cách khác, thì các truyện của ông đứng được, rồi đi dần hay đi ngay được vào cảm nghĩ của của người đọc. Khi vào được rồi thì chúng tạo ra các suy tư, đại thể: Lại có chuyện thế ư? Dễ chết vậy sao? Ngơ ngẩn ma ám mà thương em như trời cao vậy à?... Truyện của Hồ Việt Khuê nhẹ như lời quê dân dã “nghe vậy thì kể lại vậy thôi”, mà gây hiệu ứng rồi!”.
____________
(đọc Những Ngày Trở Gió)