Dòng lệ rơi trên bàn tay còn lại

18/10/2024 08:05
337

MINH TRÍ


Nhà thơ Đoàn Vũ gần đây đã gởi đến bạn yêu thơ bài thơ “Chị”. Thi  phẩm xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận số 238, tháng 4 năm 2024.

   “Chị” gói gọn trong khuôn khổ 24 dòng thơ. Nhà thơ viết về tâm trạng, cảm xúc của một người nữ thương binh. Người chiến sĩ ấy đã đóng góp cho đất nước, quê hương sức trẻ của cuộc đời mình. Một cánh tay của chị gửi lại ở chiến trường trong những tháng năm lửa khói. Giờ, những năm hậu chiến, là nỗi cô đơn trĩu nặng trong lòng người nữ thương binh đã từng lập bao chiến công của ngày xưa.

   Nhà thơ đã nhận ra sự cô đơn, sự chông chênh nơi cuộc đời chị, từ sau khi chị gởi lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường: “Một cánh tay chị gửi lại ở rừng/ Cuộc đời chị chênh vênh một nửa”. Hy sinh một phần thân thể mình, để góp vào những chiến công cho ngày toàn thắng ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, chị lại ngại khi có người nhắc đến những chiến tích của chị một thời, một sự khiêm tốn nơi người đã từng góp máu xương cho cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc.

   Đối với không ít người, đêm là thời điểm để người ta suy ngẫm về nhiều điều, có thể là nhớ về cái đã qua, cũng có khi nghĩ về những điều sắp tới. Những thời khắc ấy, lòng người lắng đọng hơn, suy nghĩ sáng suốt hơn. Nhà thơ Đoàn Vũ đã khắc họa tâm trạng, cảm xúc, nỗi niềm của người nữ thương binh về chính bản thân mình sau ngày toàn thắng của dân tộc. Đã 6 lần, tác giả sử dụng từ “Đêm” ở đầu những dòng thơ: “Đêm!/ Đêm sao cứ vụng về ở suối lệ đã khô/ Đêm soi mói tội tình chi màu trăng quyến rũ/ Đêm buông thả chẳng chút gì lưỡng lự/ Đêm nỡ trút lên bờ đời những vệt trăng ưu tư!” và cả: “Đêm lạ lùng!”

   Đêm đi cùng với trăng trong thi phẩm. Đêm được lặp lại nhiều ở khổ thơ thứ ba. Khoảng thời gian ấy trong ngày, bao nỗi lòng của nhân vật trữ tình bộc lộ. Đó có phải là dòng lệ của chị đã khô đi sau ngày thống nhất đất nước; hay, còn là “màu trăng quyến rũ” lúc tâm trạng tươi vui; có khi lại là “những vệt trăng ưu tư” khi lòng người nữ chiến sĩ của ngày xưa ấy nặng những niềm riêng khó tỏ bày.

   Với người nữ thương binh ấy, những tưởng mọi sự rồi sẽ qua đi. Song, không phải thế! Nhà thơ đã đưa người yêu thơ vào những cảm xúc mạnh mẽ hơn, khi chứng kiến nỗi xúc động dâng trào trong lòng người nữ chiến sĩ của ngày xưa: “Thế rồi/ mùa đông – mùa đông/ Những đợt gió lạ lùng cứ nhởn nhơ đi ngang qua căn phòng của chị”…Thêm một thời đoạn nữa trong năm được nhà thơ sử dụng để diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình: mùa đông. Mùa đông với những đợt gió chướng đi qua căn phòng của chị. Gió của thiên nhiên, đất trời vẫn vô tư thổi khắp nơi vào những mùa đông. Gió chướng làm xao xuyến lòng người những ngày giáp Tết. Chị, người nữ thương binh ấy, sống một mình, vẫn bình thản trước những ngọn gió lạ lùng, gió chướng ở quê nhà.

   Gió chướng lạ kết hợp đêm lạ lùng. Gió cũng lạ mà đêm cũng lạ, đã khiến chị: “Thế mà nước mắt khô khốc im bặt một thời/ bỗng dưng trào lên bàn tay còn lại”. Những dòng nước mắt lúc này, là cao trào của cảm xúc trong lòng người nữ thương binh. Mùa đông lạnh lẽo đã khiến cho nỗi cô đơn, trống vắng trong lòng chị tăng lên gấp bội phần. Người nữ chiến sĩ của ngày xưa ấy, trước mùa đông của tự nhiên, của đất trời, chạnh lòng với hoàn cảnh đơn chiếc của mình trong hiện tại, để nước mắt chị tuôn trào lên bàn tay còn lại.

   Nhà thơ Đoàn Vũ đã thể hiện rõ năng lực của một nghệ sĩ về mặt câu từ, khi anh có khả năng hình dung, hóa thân vào cảnh ngộ, vào tâm trạng của những nhân vật trữ tình khác nhau, ở đây là một nữ thương binh, trở về quê hương thời hậu chiến. Những giọt nước mắt đã xuất hiện 5 lần trong thi phẩm lần này của anh. Có giọt nước mắt của mừng vui ngày toàn thắng, và giọt nước mắt trào lên trong lòng bàn tay còn lại của người nữ thương binh những ngày gió chướng đông về. Kết cấu bài thơ theo sự vận động của thời gian, đồng thời còn theo mạch cảm xúc ngày càng tăng của nhân vật trữ tình trong thi phẩm.

   Chất thơ rất đậm trong khổ thơ thứ ba, thứ tư của bài. Những hình ảnh, cảm xúc ở hai khổ thơ này đã góp phần tạo nên nhịp điệu liên tục thay đổi của bài thơ. Thi phẩm “Chị” rất giàu nhạc tính, dễ tạo độ ngân nga.

   Đoàn Vũ là một nhà thơ đã từng gặt hái được nhiều giải thưởng về thơ cả trong và ngoài tỉnh, ở khu vực Đông Nam Bộ. Với thi phẩm “Chị”, thêm một lần, nhà thơ Đoàn Vũ đưa người yêu thơ đi vào những nỗi niềm riêng của con người, để bạn đọc có những rung cảm cùng nhân vật, cùng thi nhân. Từ đây, bạn yêu thơ có thêm sự đồng cảm, thấu hiểu với những người đã từng có một thời thanh xuân tươi trẻ góp công sức, góp cả một phần thân thể mình cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.