Cảm hứng về con người tâm linh qua một số truyện ngắn Bình Thuận sau năm 1986

31/08/2024 00:00
295

BÙI KIM VÂN


Tâm linh con người thường là niềm tin vào một thế giới, một cõi nào đó mà họ cũng như khoa học chưa lí giải được. Đó là những niềm tin, tín ngưỡng, làm cho đời sống con người thêm phong phú hơn.

   Nằm trong dòng chảy phát triển văn học toàn quốc từ sau 1975 đến nay, văn học Bình Thuận cùng song hành gặp gỡ những nét chung cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật, trong đó có yếu tố tâm linh và yếu tố thi pháp huyền thoại – đặc biệt là thể tài truyện ngắn. 

   Trong bài viết này, không tách riêng yếu tố tâm linh với huyền thoại, mà gắn với những chi tiết hình tượng cổ mẫu, những yếu tố mê tín dị đoan được nhà văn biểu đạt ở những góc độ khác nhau để bước đầu phản ánh đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa của một số bộ phận người dân trong cộng đồng địa phương. Qua những trang viết của tác giả địa phương, nhận thấy một số nhà văn có dụng ý mượn yếu tố huyền thoại để gửi gắm một vấn đề mang tính tư tưởng, có khi mượn yếu tố tâm linh để thể hiện lòng thành kính thiêng liêng trong hoàn cảnh cụ thể nào đó, hoặc đề cập đến những hiện tượng mê tín mù quáng trong cộng đồng nhằm phê phán, đả phá.

   Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nhìn vào thực tế phát triển văn học qua các thời kì, mỗi khi xã hội có những biến động về chính trị, có những trường hợp, hoàn cảnh nhất thời nhà văn chưa thể bộc lộ trực tiếp tư tưởng được, nên tác giả đã mượn một số tình tiết mang yếu tố huyễn tưởng làm cho sự việc trở nên huyền ảo, dụng ý gửi gắm sâu kín tư tưởng, tình cảm, gợi cho người đọc cảm nhận được sự đa chiều của hình tượng, sự việc với nhiều tầng nghĩa. 

   Trong công trình “Phân tâm học và văn hóa tâm linh”, [1] S.Freud và C.Jung đã phân tích: Tâm linh như một lĩnh vực của đời sống tinh thần, con người với ba phương diện cơ bản. Đó là con người với bản chất sinh học, con người với bản chất xã hội và con người với bản chất tâm linh. Ba bản chất này tạo thành chiều sâu, chiều rộng và chiều cao của con người. Từ sau 1975, các yếu tố tâm linh ngày càng thâm nhập vào văn học nói chung và văn học Bình Thuận nói riêng. Đặc biệt, từ sau 1986, thời kỳ văn học đổi mới, sáng tác mang yếu tố tâm linh ngày càng nhiều. Trong các sáng tác của các nhà văn tỉnh nhà như Nguyễn Hiệp, Đặng Ngọc Hùng, Võ Nguyên, Đỗ Kim Ngư,… yếu tố tâm linh được đưa vào để xây dựng nhân vật, thể hiện một cách nhìn nhận mới mẻ và đầy đủ về con người với chiều sâu của đời sống tinh thần, được bạn đọc yêu thích.

   Văn học hiện đại có cách tiếp cận tâm linh theo nhiều hướng khác nhau. Khám phá đời sống tâm linh, các cây bút truyện ngắn Bình Thuận còn mạnh dạn chạm vào “mạch ngầm” của đời sống tâm linh có phần mê tín dị đoan chi phối hành động, ứng xử của con người với tự nhiên và khiến con người trở thành nạn nhân. Nguyễn Hiệp trong Kí bán [2] đã chế nhạo, bóc trần kẻ dựa vào tâm linh trục lợi, chiếm đoạt. Một trong những nét đặc trưng của văn hóa nông nghiệp là đời sống tâm linh của con người hướng về tự nhiên, sùng bái tự nhiên. Như chúng ta biết, Bình Thuận thuộc vùng Duyên hải miền Trung, buổi ban đầu còn rất hoang sơ, đất đai khô cằn. Trong cuộc vật lộn chống chọi với thiên nhiên để mưu sinh, trong tâm tưởng người dân nơi đây họ tin có một thế lực thần linh đang ngự trị. Trong truyện ngắn Kí bán, một cậu bé bảy tuổi mưu sinh bằng công việc canh rẫy dưa trên những miền cát trắng một lần nhìn thấy “dưa huyết”. Theo quan niệm dân gian ở một số vùng miền trong đó có người Bình Thuận, trong rẫy dưa, dưa huyết là trái dưa to lớn bất thường, còn gọi là “ông Dưa”. Nếu người nào nhìn thấy “ông Dưa” đang “thổ huyết” thì đó là điềm báo cho cái chết, “máu trào ra lênh láng, ai nhìn vào đó sẽ bị hớp hồn, sẽ không còn là mình nữa, máu của dưa sẽ là máu mình, thịt của dưa cũng sẽ là thịt mình” [2.1, tr.78]. Sợ hãi điềm báo đó, người mẹ đã làm nghi lễ cúng bái, thờ “ông dưa”, “Cái miếu thờ dưa huyết mà má vừa chặt cây, cắt tranh về hì hục dựng lợp ngay trong buổi chiều mưa hôm đó. Má thường dắt tôi ra miếu lạy khấn nhang khói cho trái dưa huyết ấy, vỏ trái dưa huyết đã khô cong, méo mó. Có lần khi má tôi đang sụp lạy, tôi chợt nghe tiếng động trong trái dưa, nhịp tim tôi tự dưng đập thình thịch, tôi cố gắng nhìn đi chỗ khác nhưng tia mắt tôi bị níu chặt vào cái lỗ chỗ vỏ dưa bị vỡ, thoạt đầu mấy tia mắt nhỏ trắng dã càng làm tim tôi đập nhanh hơn vì quá sợ hãi” [2.2, tr.80], “má còn xin cho tôi một sợi “niệc” với cái túi vải đỏ chứa trong đó những rễ cây cong queo kì lạ, mọi thứ được ếm bùa kỹ lưỡng” [2.3, tr.79]. Theo quan niệm của người dân nơi đây, để giữ được mạng sống của người nhìn thấy “dưa huyết”, phải tìm một người có “mạng lớn” để giữ linh hồn, người mẹ đã đưa con đến “kí bán” cho cô hầu đồng tên Vi. “Cô ấy mạng lớn, cô ấy được ơn bề trên, chỉ cô ấy mới giữ gìn được con”, “cô ấy trùm vải đỏ lên đầu tôi rồi phun lửa cháy bùng xòe bùng xòe quanh người tôi rồi đeo lên cổ tôi sợi “niệc” ấy. Cô ta còn dậm mạnh chân quanh người tôi ba cái và hô lớn: An! Aăn! Aăn! làm hồn vía tôi bay tận chín tầng mây” [2.4, tr. 79]. Niềm tin mù quáng của hai mẹ con “tôi” cũng như tư tưởng của nhiều người trong vùng người lớn trong làng thì thào vào tai nhau: “Nói trộm vía thằng nhỏ, kí bán cho chắc chứ cái vong dưa huyết là mạnh lắm.” và “Tôi hằng tin mình đã bị trói buộc vào một loại quy định vô hình như thế. Tôi tin số phận mình đã gắn vĩnh viễn với cô đồng tên Vi biết phun lửa và với cái miếu thờ dưa huyết” [2.5, tr.79, 80]. Nỗi sợ hãi ấy theo đuổi “tôi” suốt mười mấy năm, in sâu trong tiềm thức, chập chờn cả trong giấc mơ “tôi thường nằm mơ thấy trái dựa huyết to lớn mọc ra hai bàn chân, ngón cái bạnh, ngón giữa nhô, ông Dưa chuệnh choạng đi vào bộ vạt tre tôi đang nằm ngủ rồi há miệng ra, hột dưa biến thành hai hàm răng nâu đen nhe ra, từ cái miệng đó, máu đỏ tuôn trào lênh láng, những dòng máu đỏ đặc sệt từ trên đầu tôi tràn xuống qua trán, qua mắt rồi chui đầy vào mũi vào miệng tôi. Tôi nghẹt thở ú ớ, vùng vẫy, càng vùng vẫy tôi càng dính chặt vào lớp máu nhầy nhụa của trái dưa huyết và khi tưởng cả thể xác, tâm hồn đang rùng mình biến thành người khác thì tôi giật thót, bàng hoàng thức giấc với mồ hôi lạnh tuôn ướt cả người.” [2.6, tr.83]. Nỗi sợ hãi quá lớn để rồi bị cô “hầu đồng tên Vi” khống chế, bị lợi dụng. Với cái danh nghĩa “kí bán”, cô đồng giải thích "Cưng được kí bán cho Vi, Vi là đày tớ của cưng, tấm thân này cưng đã cùng ăn nằm bao nhiêu lần cưng có nhớ không?” [2.7, tr.88]. Cô đồng còn diễn ra cảnh hầu đồng, gọi hồn, nhập xác mượn lời của bề trên để trấn áp tinh thần của “tôi”. “Con thương cái ở mình mà không biết cung kính cái ở trời là sai rồi. Tai dị điềm trời! Tại dị điềm trời! Con phải là của mạng nữ thì mới ở trần gian được, nhớ chưa?”. “Mười năm sau khi “tôi” trở thành thằng đàn ông mười bảy tuổi tôi đã biết đến thân thể đàn bà, một người đàn bà lớn hơn tôi đến hơn hai chục tuổi”. Cảm thấy xấu hổ và kinh tởm nhưng do mù quáng, mê tín “tôi” “im lặng chiều ý theo cái cảnh già nhân ngãi non vợ chồng với cô ta suốt hai mươi năm” [2.8, tr.86].

   Khai thác con người ở khía cạnh tâm linh có phần mê tín dị đoan, tác giả Nguyễn Hiệp muốn thể hiện niềm tin và hy vọng con người. Con người lí trí và biết tư duy nhằm thoát khỏi sự u mê ở kết thúc truyện. Để cho nhân vật “tôi” thoát khỏi vùng u mê của mình. “Tôi đau đớn nhận ra rằng chính sự u mê, ngu dốt đã làm cho mình bị tê liệt, tôi đã trả giá bằng chính tuổi thanh xuân của mình, bằng hơn nửa cuộc đời mình, không chỉ má tôi kí bán mà chính tôi cũng đã kí bán chính mình. Công bằng mà nghĩ cũng phần nhiều là tại tôi, tại tôi còn ham muốn nên sợ sệt mà chính vì sợ sệt nên tôi không đủ can đảm bước vào giữa sự cô độc để tìm lại mình. Tôi không hận má tôi, bởi tôi chợt hiểu, trong thẳm cùng mỗi người có một dòng sống tâm linh lai láng đang chảy ngầm, nhưng dòng sống siêu linh ấy đã bị lợi dụng, bị chuyển đến sự trống rỗng lớn lao, nơi đó chỉ còn nỗi khiếp hãi và cùng quẫn, bế tắc. Ranh giới âm u huyền bí mỏng manh lắm!” [2, tr. 92].

   Tâm linh thể hiện khi con người thường đặt niềm tin vào một thế giới khác, một cõi nào đó mà họ cũng như khoa học chưa lí giải được. Truyện ngắn Vòng tay [3] Đặng Ngọc Hùng tái hiện trong tác phẩm là con người có thể nhìn thấy, trò chuyện với người ở thế giới bên kia, cùng đối thoại, kết nối để tiếp tục những câu chuyện mà lúc còn sống họ không kịp giãi bày hoặc những trăn trở mà chưa thực hiện. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra trong giấc mơ và từ giấc mơ ấy đi ra đời thực, tạo nên một niềm tin ở con người về sự tồn tại vi diệu, thiêng liêng của hai thế giới “thực” và “ảo”, giữa con người hiện tại và con người quá khứ, giữa đời thực và vô thực tương giao, kết nối với nhau. Thế giới tâm linh giữa các nhân vật ông Sáu và hai người lính trong truyện ngắn Vòng tay của Đặng Ngọc Hùng được xây dựng kết hợp giữa các yếu tố tâm linh huyền ảo cùng câu chuyện lịch sử về cuộc chiến đấu của nhân dân Bình Thuận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tạo xúc động cho người đọc. Bằng kết cấu thời gian đồng hiện giữa hiện tại và quá khứ, tạo sự dịch chuyển ở những miền không gian khác nhau, tác giả đưa người đọc về thời kỳ đất nước bị chia cắt hai miền Nam Bắc. Ở Bình Thuận cũng như miền Nam nói chung, nhân dân phải chịu cảnh hai chính quyền, hai thể chế khác nhau. Trong thời điểm ấy, có mấy ai thấy được nỗi niềm đau xót, thương tâm cho những con người cùng một dân tộc, cùng một đất nước phải bắn giết lẫn nhau? Khu Lê Hồng Phong là nơi diễn ra các trận bắn nhau giữa hai bên: lính Việt Nam cộng hòa và bộ đội giải phóng miền Nam (Khu Lê Hồng Phong người dân địa phương quen gọi tắt là Khu Lê, thuộc 2 xã Hòa Thắng và Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Từ 1950, căn cứ Lê Hồng Phong có vị trí hết sức quan trọng, vừa là căn cứ của các cơ quan lãnh đạo cách mạng Bình Thuận, vừa là nơi đóng các cơ quan ban cán sự Cực Nam Trung Bộ. Hòng phá vỡ cơ quan đầu não, địch tổ chức càn quét bao vây nhiều tháng trời. Bom đạn ngày nào cũng xối xả trút xuống dưới những cánh rừng ô rô, chúng không từ bỏ thủ đoạn nào để đàn áp cách mạng. Là một người dân địa phương, ông Sáu khi chứng kiến cảnh đồng bào bị thương nặng sau những trận đánh ác liệt mà không thể cứu chữa, trong lòng ông trở thành nỗi tiếc nuối ám ảnh khôn nguôi. Đó là hai người lính ở hai chiến tuyến khác nhau, một là bộ đội giải phóng quân, một là lính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau trận đánh, “Người bị xổ ruột là lính Quốc gia. Anh ta thuộc đơn vị lính địa phương từ thị xã lên chi viện để cứu cái đồn bị tấn công. Mảnh lựu đạn phá nát vùng bụng bên phải.”. “Người mang súng AK là bộ đội Thuận Phong. Đơn vị của anh xông lên sau khi đặc công khai hỏa. Đạn từ lỗ châu mai bắn ra như vỏ trấu. Đơn vị anh vận động linh hoạt. Bỗng nhiên anh thấy tối sầm. Một lúc sau anh bị vấp ngã và biết mình bị mù một cách bất ngờ. Mũi anh ngửi thấy mùi tanh. Mùi tanh của máu. Một vật gì đó rất cứng văng đúng hai mắt anh, và có lẽ xuyên vào sâu hơn trong đầu. Anh chới với” [3.1]. Sau khi đã sơ cứu, nấu cháo cho hai người lót dạ, ông Sáu đưa họ về một cái hầm dông để họ nằm qua đêm cho đỡ lạnh, nhưng suốt đêm về nhà ông không tài nào ngủ được bởi cứu cả hai người lính lúc này là điều không thể. “Nếu ông ra đồn hoặc ra xã báo thì người lính bị đổ ruột được cứu. Nhưng như vậy thì người bộ đội sẽ bị bắt.” Nhưng xúc động hơn, hai người lính, dù bị thương nặng nhưng họ muốn nhường đường sống cho nhau. Người lính Quốc gia thì nói: “Tui nghe trong người chắc không qua khỏi. Còn anh kia dù đui mù nhưng sẽ còn sống.”. Còn anh bộ đội thì nói chắc nịch: “Anh ra đồn kêu đồng đội của ảnh lên cứu ảnh đi. Tui đi đường tui. Nghỉ vài bữa lại sức, tôi mò đường cũng tới được chiến khu. Cùng lắm thì tui tử thủ. Còn anh bị thương nặng quá, cần được cứu gấp”. “Rạng sáng ông Sáu tất tả chạy ra động. Trước mắt ông, hai người lính ôm nhau ngủ… nét mặt của cả hai đều thanh thản như chưa hề chịu bao đớn đau về thể xác” [3.2]. Họ về với đất trong vòng tay của nhau.

   Những năm sống xa quê hương vượt biên sang Mỹ, hình ảnh những người lính tử thương luôn lưu giữ sâu đậm trong kí ức của ông Sáu. Ông Sáu nhiều lần cố gắng viết thư nhờ con cháu ở quê nhà tìm lại, nhưng không tìm được nơi chôn cất hai người lính, bởi sự di dịch của sa mạc quá nhiều, những gốc cây làm mốc ngày xưa cũng đã mất. Nhưng tìm lại hài cốt của những người lính đã chôn vùi trong lớp cát của quê hương là nỗi niềm đau đáu, là tình thương, trách nhiệm của ông. Vì vậy, cách họ mách bảo để trở về thật đặc biệt! Bằng mối giao cảm giữa ông Sáu ở Mỹ, đứa cháu ở Việt Nam và những người lính trong những giấc mơ: “Ông Sáu lại chiêm bao, gặp hai người lính ngồi trong bụi ô rô. Người họ không có vết máu nào. Họ mang nét mặt của mấy mươi năm trước. Người lính Quốc gia chìa cho ông một miếng inox hình chữ nhật, cười: Em mang theo nó mà anh không để ý, cho luôn xuống huyệt…Rồi người lính Quốc gia nhìn xa xăm: Cũng may cho anh, anh mà giữ trong nhà có khi mang họa vào thân, người ta sẽ lần ra anh bộ đội thì anh bị phiền hà. Người bộ đội Thuận Phong không có miếng inox hình chữ nhật, anh chỉ có cuốn sổ tay, anh nói: Đồng đội sẽ tìm ra tôi, hôm trước họ tìm được chín đồng đội của đơn vị đặc công quân khu ở vùng này, thế nào họ sẽ tiếp tục tìm ra chúng tôi” [3.3]. Câu chuyện từ thế giới những người cõi âm qua giấc mơ của ông Sáu như một sự ngoại cảm trực giác, làm mờ nhòe ranh giới giữa mơ và thực, điều mà khoa học chưa thể giải thích. “Tết năm nay, anh Chín thay cát lư hương và nhớ lại câu chuyện của người bạn. Anh nhổ chân nhang cũ ra bình thường, nhưng không đổ cát khỏi lư được. Người anh nổi đầy da gà. Anh lấy búa đập vào lớp cát thì búa bị dội lại. Nhớ lời người bạn, anh bèn lấy hộp quẹt ga bật lửa châm vào vỏ lư hương thì không hề gì, nhưng châm vào lớp cát thì lửa bùng lên, ngọn lửa táp vào lá thư anh đang cầm ở tay kia. Anh kêu ối, vội vàng chụp cái ca nhựa đựng trà đá giội xuống lá thư thì đã muộn. Anh móc điện thoại gọi người bạn: “Phong ơi, ông lấy cát thay lư nhang ở chỗ nào vậy?”. Người bạn của anh Chín thề rằng anh ta nhớ như in chỗ anh ta lấy cát bán hồi năm ngoái. Anh ta sẽ dẫn mọi người đến đó. Anh nói thêm rằng ở đó không còn cây cám nào cả. Ô rô cũng biến mất. Chỉ có sa mạc mênh mông. Anh ta nói từ động lành đi lên chỗ đó cỡ hơn hai cây số, đứng ở đó người ta nghe rất rõ những bài nhạc không lời bất tận của cát. Và tiếng rên rất nhỏ, rất lạ, lắng tai mới nghe được sẽ dẫn anh đến chỗ có loại cát kỳ lạ” [3.4]. Như vậy, theo sự hướng dẫn anh Chín có thể tìm đến để thấy hai người lính vẫn còn ôm chặt trong vòng tay dưới lớp cát quê nhà. Phải chăng, thế giới tâm linh giúp con người vượt qua sự hữu hạn của không gian và thời gian, thế giới mở rộng, nhân đôi theo các khả năng tín ngưỡng và kì ảo.

   Một số truyện sử dụng yếu tố tâm linh, huyền bí, linh thiêng, làm cho thế giới nghệ thuật trong các truyện ngắn kì ảo, thú vị. Từ những trang viết trữ tình về hiện thực đời thường, chúng tôi còn thấy Đỗ Kim Ngư rất dụng ý về sử dụng các yếu tâm linh để thể hiện quan điểm tư tưởng về thực hiện lẽ công bằng trước cuộc sống còn nhiều nỗi bất bình qua mô-típ thiên nhân cảm ứng, thói lừa thầy phản bạn, vong ân bội nghĩa động đến trời đất và bị trừng trị. Truyện Miếu thầy [4], Đỗ Kim Ngư kể về Lý Tài được thầy lang Trần chỉ dạy nhưng hắn học không đến nơi đến chốn, để lại tai họa cho người thầy nhân từ. Sau bao năm thành danh, hắn trở về làng cũ nhưng “Bỗng trời nổi gió to, mây ở đâu ùn ùn kéo đến, chớp vạch ngang trời, sấm sét nổ ầm ầm, mưa như trút nước […] Dân Động Xá phát hiện lão phú ông bị sét đánh chết. Về sau, có người bảo lão bị hổ trắng từ trên núi xuống giết chết trước khi bị sét đánh…” [4.1, tr.86]. Mượn những hình ảnh cổ mẫu đưa vào làm cho truyện lắng đọng với nhiều tầng nghĩa: mưa, sấm, sét, hổ trắng là những gửi gắm đi từ tâm cảm dân gian có từ nghìn xưa, đi vào đời sống văn hóa tâm linh, ẩn sâu trong vô thức cộng đồng. Hổ trắng thần Sét có thể đã thi hành mệnh lệnh theo luật của Trời – tức thiên đình, để xử phạt kẻ gây tội ác nhưng đã khéo léo che đậy. Có thể nói, phản ánh hiện thực và khám phá con người ở khía cạnh tâm linh đã mở rộng biên độ về cách nhìn nhận cả thế giới xung quanh. Trong đó, tâm linh có thể là một “liệu pháp tinh thần” để con người sống hài hòa hơn với tự nhiên, với mọi người và sống có đức độ hơn, có ý nghĩa hơn.

   Ở truyện ngắn Vó ngựa đêm khuya [5], Võ Nguyên sử dụng yếu tố tâm linh huyền ảo qua các chi tiết hóa thân, ma ngựa hiện hồn đan xen với hiện thực. Mở truyện là một không gian huyền ảo “Những đêm tối trời, làng Mỹ Lâm thỉnh thoảng vẳng nghe đâu đây tiếng vó ngựa phi trên rừng, trên ruộng. Tiếng vó ngựa lốp cốp khi gần khi xa và có cả tiếng hí vang vọng mơ hồ, nhất là vào những lúc canh khuya. Các cụ già kháo nhau: “Ngày xưa, nơi đây là chiến trường. Hồi đào kênh thủy lợi, gặp giáo mác, xương người, xương ngựa rải rác khắp nơi. Đích thị là ma ngựa rồi”. Người lớn bảo bọn thanh niên kéo nhau đi rình. “Một thằng trong bọn tỏ ra hốt hoảng hét lên. Nó bảo “thấy một bóng trắng từ nơi bụi rậm bay vào không gian”. Cả lũ ù té chạy về. “Bọn trẻ trong làng sợ lắm, có làm điều gì sai quấy, chỉ dọa: “Coi chừng ma ngựa” là chúng sửa tính nết ngay” [5.1, tr.170,171]. Đó là hồn ma của con ngựa nhà ông Ba Châu lưu luyến với cảnh cũ, người xưa, nhất là với ông Ba Châu, người chủ rất thương chú ngựa đã gắn bó với cả cuộc đời ông với bao biến cố quan trọng trong đời: “Suốt đời, ông gắn bó với nghề đánh xe ngựa. Ngựa đã thay bốn lần. Nhưng con ngựa lần này đối với ông biết bao kỉ niệm... Một lần vợ ông sinh khó, lần thằng út bị đau ruột thừa cấp tính... nếu không nhờ nó phi nhanh đến viện, chắc vợ con ông chẳng còn. Rồi cả bà con trong làng, khi sanh, khi bệnh, nó đưa đi, đưa về, chẳng quản giữa trưa đứng bóng, lúc đêm khuya. Nó theo ông suốt bốn mùa mưa nắng, hơn mười năm trời để nuôi gia đình. Ông thuộc tính nết nó. Con ngựa rất hiểu ông. Một lần chở hàng về khuya, bị cướp đón đường, ông giật cương, hò hò hai tiếng, nó cất vó như bay. Bọn cướp dạt ra, rồi đuổi theo, nhưng không kịp" [5.2, tr.171]. Con ngựa gắn bó với ông như một người bạn đồng hành, đồng cam cộng khổ một đời. Vậy mà, một lần ông bệnh, thằng con ông vì tham tiền cho ngựa thồ quá nhiều làm nó bị gãy chân và sau đó vài ngày nó chết. Lúc ấy, “nó ngoái đầu nhìn ông ba Châu chảy nước mắt” và “hí vang thê thảm” [5.3, tr.173]. Mãi ba năm sau, khi ông ba Châu qua đời, đêm đêm, người ta không còn nghe tiếng ngựa hí trên rừng, trên ruộng nữa” [5.4, tr.174]. Yếu tố tâm linh không những làm cho câu chuyện mang màu sắc kì ảo mà còn gửi gắm thông điệp về ơn nghĩa giữa người và vật, qua đó phê phán những con người vô cảm, thờ ơ không có tình thương, nhất là đối với con vật gắn bó trong công việc, trong cuộc sống.

   Như vậy, việc khám phá con người tâm linh trong một số truyện ngắn Bình Thuận sau năm 1986 đã mở rộng khả năng chiếm lĩnh thế giới nội tâm phong phú, mới mẻ của con người bằng con đường trực giác và tâm linh. Điều đó thể hiện sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, nhìn nhận con người một cách đầy đủ, toàn vẹn, trong sự phát triển hài hòa với tất cả các mặt sinh học - xã hội - tâm lí - tâm linh. Mặt khác, yếu tố tâm linh đã giúp nhà văn tạo ra kiểu kết cấu mở, đa nghĩa và nhiều âm vang trong khoái cảm thẩm mĩ; kích thích nhu cầu suy nghĩ, kiến giải nơi độc giả trong cuộc hành trình đồng sáng tạo vì suy cho cùng thế giới tâm linh đích thực chính là phần bên kia của hiện thực mà con người luôn muốn nắm bắt, trải nghiệm.      

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Lai Thúy biên soạn (2004), Phân tâm học và văn hóa tâm linh, NXBVăn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. [2.1], [2.2], [2.3], [2.4], [2.5], [2.6], [2.7], [2.8], Nguyễn Hiệp, truyện Kí bán (in lần đầu có nhan đề Dưa huyết).
3. [3.1],[3.2][3.3][3.4] Đặng Ngọc Hùng,Truyện ngắn Vòng tay (2023), https://vanhocsaigon.com/truyen-ngan-cua-dang-ngoc-hung-vong-tay/. Truyện đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn khu vực Đông Nam bộ năm 2023.
4. [4.1] Đỗ Kim Ngư, Tập truyện Sỏi đá hồn nhiên – Nxb Hội Nhà văn, 2019
5. [5.1], [5.2], [5.3], [5.4], Võ Nguyên (1997), truyện ngắn Vó ngựa đêm khuya, trong tập truyện cùng tên, NXB Thanh Niên, Hà nội  1997.