“Tạ ơn hồn lúa” nét đẹp ngày Tết

17/12/2023 21:25
700

NGUYỄN VĂN HÒA


Lễ rước lúa Mẹ của đồng bào K’ho và Raglai xã Phan Điền (Bắc Bình). Ảnh XH

 

T ết ăn đầu lúa chính là nghi thức “Tạ ơn hồn lúa” - tạ ơn vật đã nuôi sống mình - đã phản ánh tâm thức tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trong ngày Tết, nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và phát huy thành một sản phẩm du lịch, tạo nên điểm đến du lịch văn hóa trong những ngày tết.

   Cư dân Đông Nam Á trước đây kinh tế chủ yếu là việc trồng lúa, nhất là lúa nước, vì vậy nền nông nghiệp lúa nước và cuộc sống của cư dân nông nghiệp được phản ánh rất rõ trong văn hóa dân gian của Đông Nam Á. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có cách thể hiện khác nhau trong việc tôn thờ cây lúa – cây lương thực chính nuôi sống cư dân nông nghiệp – và nghi thức tôn kính này được thực hiện trong ngày lễ hội lớn của làng – ngày Tết.

   Nguồn gốc cây lúa được các cư dân nông nghiệp nghĩ như sau: Ở IndonesiaMalaisia cho rằng lúa là cây mọc ra từ xác một vị thần. Ở Java thì cho rằng cây lúa mọc ra từ rốn của xác một thiếu nữ. Người Manggarai (đảo Flores) cho rằng lúa và ngô mọc ra từ xác một đứa trẻ bị giết. Vùng Minahasa (đảo Sulawesi -Indonesia) thì kể rằng có một người lên trời ăn trộm thóc giống, rạch bắp chân nhét vào để mang về hạ giới.

   Do lúa là thứ lương thực quý giá và có nguồn gốc thiêng liêng như vậy nên người Đông Nam Á phổ biến niềm tin về “hồn cây lúa”. Vì vậy ở một số tộc người trong vùng Đông Nam Á có những tục lệ cổ về vấn đề này. Họ cho rằng hồn cây lúa có vai trò quan trọng trong mùa gặt. Phải biết cắt lúa sao cho hồn cây lúa không bay đi mất mà dồn vào góc thửa ruộng, và cứ thế dồn lại ở một thửa ruộng gọi là ruộng thiêng. Tại ruộng thiêng người ta dựng lều cho hồn lúa ở, được gieo trồng và gặt hái sau cùng, lúa được cắt một cách nhẹ nhàng, bó cả hồn lúa đang trú ngụ trong cây lúa ấy, lúa được làm giống cho các vụ sau, nếu vô ý để hồn lúa bay mất thì sẽ mất mùa sau.

   Ở Malaisia còn lưu truyền một truyền thuyết rằng ngày xưa con người không phải gặt lúa, hạt lúa khi ấy rất lớn, khi lúa chín tự lăn về nhà, chui vào nồi và người ta chỉ việc nấu chín mà ăn. Khi nấu cơm không được mở vung. Một hôm người mẹ có việc bận đi làm bảo các con không được mở vung nồi cơm. Đứa con nhỏ tò mò mở vung xem, thấy trong nồi có một cô bé thoắt biến mất, để lại một hạt gạo nhỏ. Từ đó con người phải làm việc vất vả để có hạt gạo nấu cơm.

   Người Kh’merngười Việt cũng như người Mã-lai cũng cho rằng ngày xưa khi lúa chín, lúa tự bay về kho. Một ngày nọ có hai vợ chồng cãi nhau cạnh kho lúa, ồn quá thần lúa bỏ đi, mọi người đói. Về sau phải nhờ thầy cúng mời thần lúa về, tuy nhiên từ đó con người phải làm lụng vất vả nhiều hơn và tự mang lúa về nhà.

   Ở Java (Indonesia) cây lúa nước được coi là hiện thân của nữ thần Dewisri.

   Từ quan niệm như vậy nên có nhiều lễ thức phức tạp diễn ra trong suốt quá trình trồng lúa. Người ta khấn nguyện để hồn lúa ở lại với cây lúa, với cộng đồng người.

   Ở Thái Lan thì người ta rước thần lúa vào một nhà kho và cố giữ lại ở đó cho đến mùa sau.

   Hội mùa ở Lào diễn ra ngay ngoài ruộng để lễ  “hồn lúa”. Lúa sau khi đập xong được vun thành đống ngoài đồng. Người ta chọn ngày lành làm lễ, mời họ hàng đến dự, sư tăng đến cầu kinh. Tối đến là hát đối đáp biểu diễn văn nghệ dân gian. Sau khi nhà sư cầu kinh, mọi người vẫy nước xuống đất để nữ thần đất chứng giám. Gia chủ mang lễ vật gồm khoai, cau, rượu ra góc ruộng mời hồn lúa về dự lễ. Rồi đặt một hình nhân bằng rơm tượng trưng cho lúa lên đống lúa. Mọi người chúc phúc, buộc chỉ cổ tay, mừng lúa trở về. Kết thúc ngày hội là rước lúa về nhà. Hình nhân ngự trên xe đầu tiên, sau đó là các xe chở lúa. Đến nhà hình nhân được ngự trong kho lúa để ngăn ngừa hỏa hoạn, để lúa trong kho không vơi. Cửa kho được đóng lại và người ta treo một cành lá cầu may trước cửa. Sau hội vun thóc là hội xôi nướng, thực chất đó là hội mừng cơm mới, bày tỏ lòng biết ơn hồn lúa, đất đai.

   Ở Campuchia, lễ tạ ơn hồn lúa được tổ chức vào tháng ba gồm có hội dâng lửa, hội vun thóc và hội rước thóc. Hội dâng lửa và vun thóc được tổ chức ngoài đồng hay trong làng. Lúa được vun to ở giữa ruộng, sau đó đốt một đống lửa bằng củi gỗ hương, sư tăng được mời đến cầu kinh sau đó được rước ra bờ sông (hoặc ao) để dân chúng té nước lên người, sau đó rước sư trở lại ngồi cạnh lửa xông hương gỗ thơm.

   Hội mùa bao giờ cũng là ngày vui, là dịp mừng vụ mùa bội thu, cầu mong vụ sau cũng được tươi tốt.

   Ở làng Tứ Xã (Phong Châu-Vĩnh Phú) người ta buộc những cây lúa vào một cây mía rồi rước đi quanh làng để cầu cho mùa màng sung túc.

   Làng Quắc Thước (Yên Lập-Vĩnh Phú) có lễ  “mẹ lúa xuống đồng”.

   Người Mường ở Lai Đồng (Thanh Sơn-Vĩnh Phú) gọi lễ xuống đồng “đánh cồng cầu lúa”. Ngoài ra còn có các lễ cầu mưa, lễ đắp rác mạ, lễ rửa lúa, lễ cầu mùa, lễ cơm mới…

   Người Thái lễ xén bản (rửa lá lúa), lễ cầu mưa, lễ kháu hạch (mừng cơm mới).

   Người Daolễ khấn chiêm, lễ chậu đoàng (cúng lúa chín), lễ mừng cơm mới, lễ chậu mìn (cúng thần đất)…

   Người Việt lễ tế thần Tiên Nông, đả xuân ngưu, tế đàn Xã Tắc (thờ thần Đất, thần Lúa), tế đền Hậu Thổ và lệ dâng trâu đất…

   Người Tàylễ Pù da don (cúng người có công khai phá ruộng đất). Lễ cúng chuẩn bị trước ngày xuống đồng, khoảng cuối tháng ba âm lịch. Lễ vật có thịt, hai quả trứng gà, hai bát cơm nếp, một bát nhuộm xanh, một bát nhuộm đỏ. Việc cúng làm từ hôm trước, sáng hôm sau chủ nhà lẳng lặng dắt trâu, vác cày ra ruộng cày tượng trưng một luống, sau đó người nhà ra cày tiếp. Ngày cấy có lễ cúng hồn lúa. Lễ vật có cơm nếp đồ, gồm hai phần ba gạo nếp nhuộm đen, một phần ba nhuộm trắng, trộn lại, đồ chín, gói vào lá chuối đem cúng. Hôm sau bà nhà chủ ra ruộng cấy bốn khóm mạ, sau đó người nhà ra cấy tiếp.

   Người K’ho ở Phan Sơn (Bắc Bình-Bình Thuận)tục Tết ăn đầu lúa (hay là ăn Tết đầu lúa).

   *Đối với người K’ho Thấp (tên gọi người K’ho gốc) có các ghi thức như sau:

   - Lễ cúng xuống vụ đầu mùa.

   Mùa gieo trồng từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch. Nghi thức cúng xuống vụ đầu khi tỉa lúa Mẹ được tổ chức ngay tại rẫy Lúa Mẹ, khi tỉa lúa Mẹ xong các gia đình mới cúng kho lúa Mẹ ở nhà. Tỉa xong lúa Mẹ mới tỉa lúa Con.

   Lễ vật gồm một cây nêu, hai con gà trống, một ché rượu cần, một dĩa trầu cau, một quả trứng, cơm, bánh tét, một nải chuối. Cây nêu cao từ 1,7-2 thước là hiện thân của cây lúa. Thân nêu là thân lúa, các thanh tre xỏ ngang là lá lúa, các chùm bông là các bông lúa, gié lúa. Lễ vật chuẩn bị tại nhà và chỉ được mang lên rẫy sau khi đã được người chủ gia đình lên kho lúa Mẹ ở nhà khấn cầu xin phép Yàng (hồn lúa) được mang lúa Mẹ lên rẫy tỉa đầu vụ.

   Tại rẫy, người ta cắm cây nêu trên khoảnh đất tỉa lúa Mẹ và bày hết lễ vật cạnh cây nêu. Chủ lễ hai tay cầm con gà, đầu gà hướng về cây nêu, khấn Yàng (hồn lúa) xin phép được tỉa lúa Mẹ…khấn xong, cắt cổ gà, lấy máu bôi lên thân cây nêu và các chùm bông. Họ cho rằng làm như vậy là để hồn lúa chứng giám gia đình họ đã làm xong lễ cúng xuống vụ đầu mùa. Làm lễ xong ở khoảnh đất tỉa lúa Mẹ, họ tiếp tục bày lễ vật và cắt tiết con gà còn lại ở trong chòi rẫy để khấn xin thổ thần phù hộ cho được mùa. Lễ xong cả gia đình tiến hành tỉa lúa Mẹ bằng phương thức truyền thống là chọc lỗ tra hạt. Sau đó họ luộc chín một con gà, bày lễ vật cúng một lần nữa tại cây nêu cắm chỗ tỉa lúa Mẹ, còn gà còn lại mang về luộc chín cúng kho lúa Mẹ hàm ý báo cho kho lúa Mẹ biết gia đình đã tỉa xong lúa, giống đã về với đất, mong cho hạt lúa mọc tốt, sinh sôi nảy nở nhiều.

   - Lễ cúng mừng lúa mẹ làm đòng.

   Thông thường vào tháng 7-8 âm lịch. Nghi thức này thực hiện khi cây lúa Mẹ làm đòng, trổ bông (họ cho rằng lúa làm đòng cũng giống như người đàn bà mang thai sắp đến kỳ sinh nở), họ cầu mong Yàng phù hộ cây lúa trổ khỏe mạnh, dày, chắc hạt, không sâu bệnh, không bị thú rừng phá. Lễ vật tương tự như lễ  cúng xuống vụ đầu mùa khi tỉa lúa Mẹ nhưng chỉ có gà trống mà không có cây nêu. Nghi lễ và địa điểm cúng cũng giống như lễ cúng xuống vụ đầu mùa.

   - Lễ cúng mừng lúa mẹ chín.

   Thông thường vào tháng 9-10 âm lịch. Lễ vật giống như lễ cúng xuống vụ đầu mùa (gà sống một con, không có cây nêu). Lễ vật bày chỗ cây nêu đã cắm lúc trước, con gà sẽ cắt tiết sau khi khấn Yàng và bôi máu gà lên cây nêu. Sau nghi lễ họ tiến hành suốt lúa Mẹ, xong rồi mới suốt lúa Con. Lúa Mẹ không được cắt mà phải suốt bằng tay từng bông lúa bỏ vào gùi dành riêng để đựng lúa Mẹ. Họ cho rằng hồn lúa ở trong cây lúa Mẹ do đó không được cắt mà phải suốt nhẹ nhàng vì nếu cắt thì sẽ đau hồn lúa, hồn lúa bỏ đi. Lúa con thì được phép cắt và đạp cho rớt hạt. Sau khi thu hoạch lúa Mẹ được mang về kho riêng, lúa con mang về nhà.

   - Tết ăn đầu lúa.

   Diễn ra trong 2 ngày 14-15 tháng 12 âm lịch.

   Sáng ngày 14, người đàn ông chủ nhà cùng con cháu lên rừng chặt tre lồ ô mang về làm chày giã cốm. Cây lồ ô làm chày phải thẳng, ống đều và cùng màu, dài từ 4-5 thước. Cây nêu được làm mới cũng bằng tre lồ ô. Bàn thờ cúng Yàng ở trong nhà được sửa sang tươm tất, bông tre vót được thay mới. Trước ngày 14 người đàn bà chủ nhà lên kho lúa Mẹ xin phép Yàng (hồn lúa) để lấy một ít lúa Mẹ xuống ngâm để sáng sớm ngày 14 giã cốm cúng Yàng và ông bà Tổ tiên. Để giã cốm mỗi gia đình phải chuẩn bị từ 3-4 cối gỗ và từ 6-8 chày cùng 6-8 người giã. Chiều đến, lúa Mẹ ngâm từ sáng được vớt ra mang đi rang cho giòn và bỏ vào cối, khi hoàng hôn xuống cũng là lúc cả làng giã cốm. Âm thanh tiếng chày giã cốm vang khắp núi rừng.

   Cốm được giã liên tục từ một đến hai giờ là xong. Sau đó, chủ nhà bày lễ vật ra giữa nhà để cúng gồm: Cốm, trầu cau, một ché rượu cần, một quả trứng, cơm, bánh tét, chuối. Họ khấn mời hồn lúa, các vị thần và ông bà tổ tiên về ăn tết.

   Sáng ngày 15, cả nhà mang lễ vật lên rẫy mời hồn lúa về ăn tết mà họ gọi là lễ rước cọng rạ (Mẹ lúa) về ăn tết. Trước khi lên rẫy họ phải tiếp tục giã cốm một lần nữa vào sáng sớm. Lễ vật gồm: Cây nêu, cốm, một con gà trống, trầu cau, một chai rượu cần, một chai rượu trắng, một quả trứng, cơm, bánh tét, chuối. Toàn bộ lễ vật được xếp vào gùi. Khi đi chủ nhà vác nêu đi trước, kế đến là người mang gùi lễ vật, sau đó đến những người trong gia đình. Đến rẫy họ nhổ nêu cũ, cắm nêu mới vào, bày lễ vật xung quanh. Chủ nhà tay cầm con gà, miệng khấn mời Yàng, thần Núi, thần Rừng, thần Mưa và ông bà về chứng giám. Khấn xong, họ cắt tiết gà, lấy máu bôi lên thân và bông nêu, bứt lông cánh và đuôi gà cắm vào thân nêu, đổ rượu và tiết gà vào hai ống tre nhỏ cắm ở gốc nêu, lấy cốm, bóp trứng chấm vào tiết gà rải lên cây nêu và xung quanh gốc nêu, sau đó cả gia đình cùng uống rượu và đồng thanh gọi Yàng cùng các thần linh về nhà ăn tết cùng với gia đình bằng cách reo hò cùng ông chủ lễ đồng thời chắp tay lại cùng đưa lên trời như một điệu múa. Xong nghi lễ, ông chủ lễ lấy một chùm bông lúa và một gốc rạ buộc sẵn trên thân cây nêu cũ, cẩn trọng gói vào lá chuối, đặt vào gùi rồi mang về nhà. Bông lúa và bụi rạ tượng trưng cho hồn lúa, họ nâng niu mang về nhà để ở bàn thờ, ăn tết xong họ đưa bông lúa Mẹ và gốc rạ này vào trú ngụ trong kho lúa Mẹ.

   Chiều ngày 15, chủ nhà vào kho lúa Mẹ làm lễ cắt cổ gà cúng Yàng (hồn lúa). Chủ nhà tay cầm gà, miệng khấn. Sau khi khấn xong cắt cổ gà, bôi máu lên kho lúa, bồ lúa, bứt lông cánh và lông đuôi gà cắm vào bồ lúa Mẹ, đổ rượu cần và máu gà vào hai ống tre gắn trên thành bồ lúa. Đầu buổi tối, hai con gà đã cắt tiết vào buổi sáng và buổi chiều được luộc chín cùng cơm, hai quả trứng, một ché rượu cần, rượu trắng, một dĩa trầu cau, xôi nếp, bánh tét, gạo, cốm … được đặt lên bàn thờ, chùm bông lúa Mẹ và gốc rạ đặt lên trên làm lễ cúng Yàng và ông bà tổ tiên. Chủ nhà khui ché rượu cần, hai tay trang trọng cầm chùm bông lúa Mẹ đặt vào miệng ché cầu khấn mời hồn lúa uống rượu, hưởng lễ, khấn xong lấy lá chuối gói chùm bông lúa, đặt vào túi lát nhỏ rồi để lên bàn thờ. Ăn tết xong túi đó sẽ được đặt vào kho lúa Mẹ.

   Tiếp đến chủ nhà tay bưng trầm, tay bưng rượu đến chỗ bếp khấn mời ông Táo, đốt trầm trước bàn thờ mời Yàng, thần linh và ông bà về ăn tết. Sau đó cả gia đình, họ hàng, xóm giềng quay quanh ché rượu cần chuyền nhau vừa uống vừa chúc tụng, vừa đánh trống, đánh mã la và múa hát.

   *Tết ăn đầu lúa của người K’ho Mạ. 

   Các nghi thức như Lễ cúng xuống vụ đầu mùa, Lễ cúng mừng lúa mẹ làm đòng, Lễ cúng mừng lúa mẹ chín và Tết ăn đầu lúa của người K’ho Mạ cũng tương tự như người K’ho Thấp. Tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt như sau:

   Cây nêu là một cành tre lồ ô nhỏ cao khoản 3m, uốn cong như cần câu, thân nêu gắn nhiều thanh tre, ở đầu thanh tre gắn các chùm bông.

   Ở nghi thức cúng mừng lúa mẹ chín có 2 cây nêu: cây nêu nhỏ cắm cạnh chòi rẫy, cây nêu lớn làm bằng 3 cây tre lồ ô, cây giữa thẳng đứng, hai cây hai bên uốn cong cắm ở giữa rẫy lúa Mẹ. Trên giữa thân cây nêu lớn người ta đan một chiếc lồng nhỏ bằng tre gọi là “con hiu” (tức là ngôi nhà nhỏ để cho hồn lúa trú ngụ). Bên cạnh cây nêu lớn người ta làm một sàn tre nhỏ cao chừng 1m để bày lễ vật cúng. Lễ vật cũng như của người K’ho Thấp nhưng gà từ 3-4 con, trứng 3 quả… Đầu tiên cúng chủ đất (Thổ Thần), tiếp theo cúng Yàng rồi cả gia đình cùng uống rượu cần với Yàng tại cây nêu lớn, tiếp tục cúng tại cây nêu nhỏ sau cùng là cúng gùi lúa Mẹ trong chòi rẫy. Gà sau khi cắt tiết xong sẽ được làm sạch, luộc chín để cúng lần thứ hai theo trình tự như lần đầu.

   Ở tết ăn đầu lúa người K’ho Mạ chỉ diễn ra trong một ngày 15, không có tục giã cốm và lên rẫy cắm nêu mới. Khi lên rẫy lúa Mẹ làm lễ rước Yàng không mang theo lễ vật mà chỉ có mang gùi và cây Chà gạt (công cụ có chức năng tương tự như cây Rựa của người Việt). Đoàn người rước quay quanh cây nêu lớn, ông chủ lễ làm nghi thức treo chùm bông và gốc rạ lên thân nêu, sau đó dùng ống tre làm kèn thổi ba hồi rồi khấn cầu, khấn xong thổi ba hồi kèn nữa để mời Yàng. Tiếp đến chủ lễ tháo chùm bông và bụi rạ lúa Mẹ gói vào lá chuối đặt vào gùi, gỡ con hiu bỏ vào gùi, nhổ bỏ cây nêu, sàn tre rồi trở về nhà. Trên đường đi về nếu phải qua con sông hay suối thì phải bắc cầu mời Yàng đi bằng cách chặt một cây tre trên đường đi thả ngang qua, gốc tre hướng về rẫy, ngọn tre hướng về nhà, sau khi thả tre qua suối chủ lễ thổi kèn tre ba hồi và khấn mời Yàng qua suối về nhà. Sau khi đoàn rước đi qua người ta thả tre trôi theo dòng suối.

   Về đến nhà, chủ nhà lấy lá chuối trải từ cửa nhà vào kho lúa Mẹ (kho đặt trong nhà, không đặt riêng như người K’ho Thấp) để làm đường đưa lúa Mẹ vào kho nếu không sẽ đi lạc sang nhà khác. Đồng thời làm thang tre từ sàn nhà lên kho và lót lá chuối vào sàn kho để hồn lúa biết đường đi và có chỗ trú ngụ. Chủ nhà đốt trầm ngay cửa cái mời hồn lúa vào kho, lấy con hiu đặt vào kho, lấy chùm bông, bụi rạ lúa Mẹ cột vào thang tre, ngọn hướng xuống sàn nhà, gốc hướng lên kho lúa. Lễ vật được bày trên lá chuối dưới sàn nhà ngay chiếc thang tre. Chủ nhà làm nghi thức cầu khấn, cắt cổ gà bôi máu lên chùm bông, gốc rạ, thành kho, cột con gà đã cắt cổ lên cạnh bụi rạ trên chiếc thang tre, đầu hướng xuống sàn, chân hướng lên kho. Tiếp tục chủ nhà thực hiện nghi lễ cúng ông bà ngay giữa nhà, sau khi khấn mời là cắt cổ gà, đổ rượu và máu gà xuống đất mời Thổ Thần, mang rượu và tiết gà đến bếp mời ông Táo. Gà cắt tiết được luộc chín và cúng thêm một lần nữa. Sau khi cúng xong thực hiện nghi thức: bẻ cánh gà, chân gà, rút lưỡi gà, chẻ đôi quả trứng để đoán thời vận gia đình bằng cách thả từng đôi cánh gà, chân gà xuống mâm nếu từng đôi cánh và chân gà đều  úp hoặc ngửa là không tốt, phải là một cái úp, cái ngửa mới tốt, nếu không tốt thì thả lại đến khi nào tốt mới thôi. Tiếp đến thả quả trứng gà cắt đôi, nếu một nửa ngửa hướng về chủ nhà, một nửa ngửa hướng về phía đối diện thì tốt, nếu cả hai cùng ngửa về một hướng thì thả lại đến khi nào được mới thôi. Sau cùng là ném lưỡi gà vào vách  nhà, lưỡi gà dính vào vách là tốt, rớt là không tốt phải ném lại đến khi nào dính hết mới thôi.

   Kết thúc nghi lễ là chia vật cúng Yàng là một tô thịt gà và một chén rượu cần cho con rể trưởng, con gái trưởng. Con rể trưởng cho lại cha vợ một tô thịt, một chén rượu kèm theo một ít tiền. Sau đó cả nhà, họ hàng, xóm giềng và khách (người Việt, Chăm, Raglai…) cùng uống rượu, đánh trống, đánh mã la, múa hát.      

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

   1. Nguyễn Tấn Đắc, Văn hóa Đông Nam Á, Ban XB đại học Mở bán công TP.HCM.
   2. Nhiều tác giả (1989), Văn hóa dân gian. NXB KHXH, Hà Nội. 
   3. Võ Quang Nhơn (1983), Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, NXB ĐHTHCN, Hà Nội. 
   4. Vũ Quang Thiện- Ngô Văn Doanh (1984), Những phong tục độc đáo của Đông Nam Á. NXB VHTT, Hà Nội.
   5. Sở VHTT Bình Thuận (2002), Báo cáo nghiên cứu văn hóa phi vật thể năm 2001-2002