Mai vàng Vĩnh Hảo

23/01/2024 13:54
665

VŨ HÙNG


Mai vàng Vĩnh Hảo. Nguồn: Internet

Bia ký Champa và chính sử Đại Việt không ghi, nhưng truyền khẩu dân gian và các ghi chép khác còn lưu lại một vườn “Mai uyển” Vĩnh Hảo, bên cạnh thắng cảnh Cà Ná. Đây là nơi vua Chế Mân và hoàng hậu Huyền Trân từng đến thưởng ngoạn. Trong chuyến vân du của mình, nhà sư - Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, cũng được vua Chế Mân đưa đi thưởng lãm cảnh sắc thơ mộng hữu tình Vĩnh Hảo - Cà Ná.

   Theo tài liệu về điạ chí tỉnh Bình Thuận, in năm 1959: “Suối Vĩnh Hảo tục truyền là “suối tiên”, vào thế kỷ 14, vua Chàm là Chế Mân và Hoàng hậu người Việt là Huyền Trân công chúa (con vua nhà Trần) thường đến ngự du và tắm nước suối ở đây” 1.

   Nhà Dân tộc học Nguyễn Văn Huy cho rằng: “sử tích Chăm kể rằng Huyền Trân được nhà vua đưa đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh của Chiêm Thành. Các suối nước nóng dọc bờ biển miền Trung được dành riêng cho bà tắm rửa, kể cả suối Vĩnh Hảo” 2.

   Hòa thượng Thích Như Điển, trong Một mối tơ vương của Huyền Trân công chúa, cho rằng vua Chế Mân cùng Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã đi thăm khắp đất nước Chiêm Thành, đến tận xứ Phan Rang, Phan Rí. Trong phần viết về Huyền Trân có ghi: “Sau khi thăm Indrapura (Quảng Nam) thì Đức vua và Hoàng hậu đã đến tận Châu Panduranga để thăm viếng dân lành tại đây… Họ đã thăm vườn hoa nổi tiếng Mai Uyển gồm nhiều loại mai như: Bạch mai, hoàng mai và hồng mai. Mai Uyển này tọa lạc trên vùng đất giao thoa giữa núi rừng và biển cả…gần vườn mai nhiều màu sắc này còn có con suối Vĩnh Hảo cho nước khoáng tươi mát ngọt ngào... Khi mùa Xuân đến hoa mai nhiều màu đã nở rộ, Chế Mân và Hoàng hậu thường đến nơi đây để thưởng lãm”3.

   Tự điển địa danh đối chiếu Việt - Các dân tộc thiểu số miền Trung - Trường Sơn - Tây Nguyên - Nam Bộ, mục địa danh Cà Ná ghi: “Nơi đây cảnh đẹp nên thơ…có nhiều cây hoa mai vàng…mỗi độ xuân về, hoa mai nở rộ vàng cả núi…tương truyền ngày xưa, khu vực này là vườn thượng uyển của vua Champa”. Tại mục địa danh Vĩnh Hảo ghi: “Lịch sử ghi nhận, năm 1292, sau khi thắng giặt Nguyên - Mông, để thể hiện tình đoàn kết, giao lưu, vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) đã ghé thăm Champa được vua Chế Mân đưa đi thăm danh lam thắng cảnh Cà Ná và suối Vĩnh Hảo. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), Chế Mân, một lần nữa cũng đưa Huyền Trân công chúa đến nơi đây để thưởng ngoạn”4.

   Thi sĩ Chế Quốc Minh, người Tuy Phong, trong bài thơ “Hồn xuân” của mình có đoạn:

   Quê hương tôi rũ bóng chiều tà
   Đứng bên Tháp Po Dam đăm chiêu ngắm đoàn tàu Nam Bắc
   Bên suối mát Vườn Ngự Uyển Huyền Trân thưởng ngoạn
   Chế Mân vui bên cánh Tứ Mai xuân.

   Theo Chế Quốc Minh, tứ mai xuân là bốn loại mai nở vào mùa xuân: Hoàng mai, hồng mai, bạch mai và thanh mai, nhưng về sau chỉ còn hoa mai vàng mọc tự nhiên trên đồi núi Vĩnh Hảo.

   Cà Ná không chỉ cảnh đẹp mà từng là một vùng mai vàng. Bên cạnh suối nước khoáng nổi tiếng, Vĩnh Hảo cũng có một rừng mai vàng tự nhiên. Trước đây, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân còn chặt cành đem về thành phố Phan Rang bán; về sau đào gốc làm bonsai!

   Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Nhân Tông (trị vì từ năm 1278 đến năm 1293) nhường ngôi làm Thái thượng hoàng và đi tu vào năm 1293 5. Năm 1299, ngài đến Yên Tử tu hành, năm 1301, vân du Chiêm Thành 9 tháng: “Tháng 3, Thượng hoàng vân du các nơi, sang Chiêm Thành…Mùa đông, tháng 11, Thượng hoàng từ Chiêm Thành trở về” 6.

   Đối với một người tu hành, đây là cuộc vân du của một nhà sư, với một vị Thái thượng hoàng, nguyên là vị vua đã cùng với vua Champa trong cuộc chiến chống kẻ thù chung Nguyên Mông thắng lợi, chuyến đi là sự thể hiện mối quan hệ nồng ấm giữa hai vương quốc. Trong lịch sử quan hệ giữa Đại Việt với Chiêm Thành, đây là chuyến đi duy nhất và dài ngày nhất. Tuy nhiên, ngoài ghi chép nêu trên và hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân trong chính sử 7, không có ghi chép nào nữa còn lưu lại.

   Ngày nay, trên núi rừng Yên Tử, nơi Trần Nhân Tông tu hành, có một rừng mai vàng cổ thụ bí ẩn. Các nhà khoa học khẳng định mai vàng Yên Tử cùng chung một loài Ochna integerrima (Lour.) Merr với mai vàng phương nam, và khi cấy ghép với mai vàng phương nam mới cho kết quả cao nhất. Mai vàng tại đây có nhiều hoa trên mỗi cụm và số cụm trên mỗi cành, hoa năm cánh màu vàng chanh và hương thơm dịu đặc trưng. Dân gian vùng núi Yên Tử, Đông Triều, Quảng Ninh, tương truyền rằng cây mai vàng ở đây hình thành kể từ khi vua Trần Nhân Tông về tu trên Yên Tử, cách đây hơn 700 năm, khá trùng với sự kiện vân du Chiêm Thành vào năm 1301, đến nay cũng hơn bảy thế kỷ.

   Ngoài Yên Tử, trên đất bắc chưa nơi nào có mai vàng như ở đây. Cây mơ còn gọi là mai. Địa danh cổ Hoàng Mai tại Hà Nội, nay là tên của một quận, tương tuyền là đất nhà Trần phong cho tướng Trần Khát Chân, nhưng Hoàng Mai không phải là hoa mai vàng. Tại đây từng trồng một loài mơ lấy hoa và quả. Hoa mơ màu trắng, khi quả chín nục ươm mọng lên màu vàng tươi nên gọi là hoàng mai 8

   Phải chăng trong chuyến vân du về phương Nam vào năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã qua những vùng mai vàng tự nhiên của đất nước Champa, đã đến rừng mai vàng Cà Ná và “Mai uyển” Vĩnh Hảo và yêu thích loài hoa này, từ đó cây mai vàng phương Nam đã theo ngài về Yên Tử?  Ngày nay, trải qua nhiều thế kỷ thích nghi kỳ diệu, đã hình thành một rừng mai vàng trên vùng đất Phật và nở rộ mỗi độ xuân về.     

 

 

1. Tỉnh Bình Thuận, năm 1959, bản đánh máy, không ghi tác giả, trang 28. Tài liệu này lưu tại Thư viện tỉnh Bình Thuận, ký hiệu DC/A7/05. DC- 431.
2. Nguyễn Văn Huy, Tìm hiểu cộng đồng người Chăm ở Việt Nam, bài 6: “Bùng lên trước khi tàn lụi”, s.wordpress.com
3. Hòa thượng Thích Như Điển, Mối tơ vương của Huyền Trân công chúa, Phật lịch 2.562 - Mậu Tuất 2018, Viên Giác Tùng Thư, https://thuvienhoasen.org/p58a31807/chuong-11-cong-chua-vu-quy. 
    Hòa thượng Thích Như Điển xuất gia năm 1964, lúc 15 tuổi, tại Tổ đình Phước Lâm, Hội An; năm 1988 được tấn phong Thượng tọa tại giới đàn Đại Nguyên chùa Pháp Hoa, Marseille, Pháp; năm 2008, được tấn phong Hòa thượng tại giới đàn Pháp Chuyên, Hannover, Đức; là Phương trượng chùa Viên Goác tại Hannover và tu viện Viên Đức, Ravensburg, Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Điều hành GHPGVNTN Âu châu, nhiệm kỳ 2015-2020, Phó Chủ tịch Hội đồng Tăng già thế giới.
4. Sakaya, Tự điển địa danh đối chiếu, Việt- Các dân tộc thiểu số miền Trung – Trường Sơn – Tây Nguyên – Nam Bộ, NXB Tri Thức, 2020, trang 28-29, 157. (Sakaya là bút danh PGS-TS Trương Văn Món, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, người Chăm làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận).
5. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Văn học, 2017, trang 249.
6. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, trang 260.
7. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, trang 262.
8. “Chợ Mơ ngàn năm - Tùy bút của Băng Sơn”, https://nhandan.vn/cho-mo-ngan-nam-tuy-but-cua-bang-son-post409142.html