Thị độc học sĩ Phan Trung và hoạt động tình báo dưới thời vua Tự Đức

19/10/2024 00:00
66

NGUYỄN THÀNH TÀI


Đầu tháng 9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đại Nam(1). Vua Tự Đức “huy động bộ máy chiến tranh của mình”, “trực tiếp điều quân, khiển tướng, sai phái cắt đặt xây dựng các đồn lũy, thành bảo”(2) để chống Pháp. Tháng 2-1859, sau khi quân Pháp tiến đánh Gia Định, trước hành động đánh chiếm ngày càng mở rộng của Pháp, vua Tự Đức đã dụ cho “toàn thể dân chúng Nam Kỳ chủ động tập hợp binh lính, dân binh, huấn luyện tác chiến… nhằm tổ chức đánh giặc khi chúng đến”(3). Tuy vậy, giáo mác, gươm đao, súng kíp, thành lũy trước sức mạnh súng đạn, chiến thuyền phương Tây, cùng với sai lầm trong đường lối chống Pháp của vua Tự Đức đã không cứu vãn được vận nước.

   Trong lúc rối ren đó, xuất hiện một điểm sáng trong hoạt động chống Pháp do vua Tự Đức chỉ đạo quan quân triều đình thực hiện, đó là thu thập tin tức của Pháp tại Nam Kỳ. Theo Thực lục, khi Pháp chiếm Gia Định, tháng 4-1861, vua Tự Đức xuống dụ, cử quan lại triều đình chiêu mộ lính từ Thừa Thiên đến Biên Hòa nhanh chóng vào Nam đánh Pháp. Trong đoàn quân chinh chiến đó, cùng với một số quan lại cách chức có một người tên là Phan Trung. Phan Trung sống cùng thời với các sĩ phu Nam Bộ có tinh thần yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông; từng sát cánh cùng các nghĩa sĩ Trương Định, Thiên Hộ Dương khởi nghĩa chống Pháp; đồng liêu với các đại thần triều Nguyễn như Phan Thanh Giản (cũng là thầy của ông Phan Trung), Phạm Phú Thứ; nhưng hành trạng ông Phan Trung được chép vào chính sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục (Thực lục), Đại Nam liệt truyện (Liệt truyện), Châu bản triều Nguyễn (Châu bản)… một cách rời rạc, mờ ảo. Đây chính là người sau này đứng đầu, chỉ đạo mọi hoạt động thu thập tin tức của triều đình tại Nam Kỳ.

   Thị độc học sĩ Phan Trung (1814-1884), cuộc đời và sự nghiệp

   Liệt truyện chép, gốc gác tổ tiên của ông Phan Trung là người Phúc Kiến (Đại Thanh). Đời thứ tư thì sang Đại Nam, làm nhà ở Ninh Thuận thuộc Khánh Hòa sinh sống. Phan Trung là người cương nghị, có khí tiết. Theo Quốc triều hương khoa lục, cử nhân Phan Cư Chánh (Phan Trung) người thôn Tấn Lộc, huyện An Phước, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.

   Trong cuốn Notes sur L’Annam, I Le Binh Thuan có chép: “Được sinh ra tại làng Tấn Lộc phủ Ninh Thuận, gần chợ Dinh trên bờ sông Phan Rang, người đàn ông ấy ban đầu là tri huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Ông ấy đã rời nơi này để gia nhập cùng Quản Định (tức Trương Định, từng làm chức Quản cơ - TG) với sự nhiệt thành ở Gò Công, rồi sau đó đến Mũi Kê Gà, phía nam Phan Thiết”(4). Còn trong L’Annam ses grands hommes a travers les provinces cho biết: “Quê gốc ở Nam Kỳ, Phan Trung sau đó đến định cư ở huyện An Phước”(5).

   Chấp nối các sự kiện đã nêu, có thể hình dung được rằng, ông Phan Trung quê gốc ở Phúc Kiến (Đại Thanh), đến đời thứ tư thì tổ tiên ông sang Đại Nam và vào Nam Kỳ sinh sống. Vậy tổ tiên ông Phan Trung có thể là người Minh Hương vượt biển sang Đàng Trong, được chúa Nguyễn cho vào khai phá vùng đất phương Nam trù phú, đặt nền móng đầu tiên cho việc hình thành Nam Kỳ lục tỉnh sau này. Sau đó, tổ tiên ông về lập làng ở huyện An Phước, phủ Ninh Thuận.

   Theo Liệt truyện, ông Phan Trung mất năm Kiến Phúc thứ nhất, Giáp Thân 1884, thọ 71 tuổi (theo tuổi Âm lịch). Vậy có thể xác định được ông sinh năm Giáp Tuất 1814, thời vua Gia Long, tại làng Tấn Lộc, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận (xưa), nay thuộc phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

   Ngoài tên tự (Tứ Đan), tên hiệu (Bút Phong), ông Phan Trung còn sử dụng một số danh tính như: Phan Cư Chánh, Phan Chánh. Ngoài ra, ông còn một danh tính khác là Trần Tuấn. Bố chánh Bình Thuận Nguyễn Thông, đồng liêu sát cánh cùng Phan Trung những ngày đầu chống Pháp đã viết trong Lãnh binh Trương Định truyện cho biết: “Trần Tuấn tức Phan Chánh. Chánh dẫu làm chủ một cánh nghĩa quân, nhưng rất giỏi về văn thơ”(6).

   Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), ông Phan Trung đậu cử nhân tại trường thi Gia Định, sau đó được bổ đi làm Tri huyện Tân Thịnh, Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An). Sau một thời gian nhậm chức, ông từ quan về quê phụng dưỡng mẹ già, tuy nhiên, do xử sai một vụ kiện nên bị cách chức.

   Tháng 4-1861, ông Phan Trung theo đoàn quân Nam tiến đánh Pháp. Tháng 8-1861, vào tới Biên Hòa, ông Phan Trung chiêu mộ 2 cơ (1.000 lính) hưởng ứng theo nghĩa quân Trương Định. Khi ông Phan Trung khởi binh ở Biên Hòa, thủ lĩnh Trương Định phái thuộc tướng của mình là Lê Quang Bỉnh tìm gặp, giúp sức. Với công lao đánh Pháp, ông được vua Tự Đức khôi phục quan tịch, bổ chức Thị giảng học sĩ Hàn lâm viện.

   Tháng 6-1862, triều Nguyễn ký kết Hiệp ước “Hòa bình và Hữu nghị” với Pháp, nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Ngoài thực hiện cái điều khoản theo quy định, vua Tự Đức còn lệnh cho quan quân bãi binh. Cuộc kháng chiến của nghĩa quân Trương Định, Phan Trung, Thiên Hộ Dương…bị đẩy vào chặng đường gian nan, khó khăn hơn trước. Ông Phan Trung không bãi binh theo lệnh triều đình, mà tự xưng là “Bình Tây phó nguyên soái” cùng “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định tiếp tục giương cao ngọn cờ kháng Pháp.

   Khi Trương Định tuẫn tiết (tháng 8-1864), hai ông Phan Trung, Lê Quang Bỉnh về vùng thượng du giữa Biên Hòa và Bình Thuận khai khẩn đồn điền, tích trữ lương thực, lập căn cứ Giao Loan, “làm kế trì cửu đợi mệnh của triều đình”(7)

   Tháng 1-1865, Pháp tấn công căn cứ Giao Loan. Hai ông Phan Trung, Lê Quang Bỉnh rút chạy, lùi sâu về vùng rừng núi Bình Thuận giáp với Biên Hòa tiếp tục xây dựng căn cứ, quy tụ nghĩa quân. Ngay tức thì, Pháp cho tàu vào cửa biển Phan Rang dò xét, do thám hành tung và yêu cầu quan tỉnh Bình Thuận phải tìm bắt Phan Trung giao cho Pháp xử lý.

   Tháng 1-1865, tin tức về việc Pháp yêu cầu quan đầu tỉnh Bình Thuận truy tìm hai ông Phan Trung, Lê Quang Bỉnh được cấp báo về kinh đô Thuận Hóa. Vua Tự Đức chỉ dụ Tuần phủ Thuận - Khánh Nguyễn Hữu Cơ lựa lời đáp lại để Pháp khỏi nghi ngờ; đồng thời mật dụ cho hai ông lánh xa, để lưu dùng sau này. Rút chạy khỏi căn cứ Giao Loan, hai ông Phan Trung, Lê Quang Bỉnh lùi sâu về vùng rừng núi Bình Thuận giáp với Nam Kỳ (Biên Hòa) tiếp tục xây dựng căn cứ, quy tụ nghĩa quân.

   Tháng 6-1865, trước sức ép của Pháp, vua Tự Đức xuống dụ triệu hồi hai ông Phan Trung, Lê Quang Bỉnh về kinh. Tháng 9-1865, hai ông về đến kinh thành Thuận Hóa, được cấp tiền, gạo và thăng chức ông Lê Quang Bỉnh làm Hộ bộ Viên ngoại lang; ông Phan Trung làm Thị độc học sĩ sung Thương bạc đại thần, quản lý các Thương cục trong cả nước.

   Việc xây dựng đồn điền ở vùng rừng núi Bình Thuận giáp với Nam Kỳ (Biên Hòa) không qua mặt thám báo Pháp. Tháng 8-1866, tướng Pháp gửi thư về kinh thành Thuận Hóa, phản ứng việc quan lại đứng đầu tỉnh Bình Thuận dung túng cho “lũ côn đồ nơi biên giới, nói thác là làm đồn điền”, đề nghị vua Tự Đức “phải dẹp đi, nếu không sau này sẽ gây loạn”.

   Viện Cơ mật dâng tấu sớ lên vua Tự Đức, xin sai Phan Trung dời đến chỗ đất bỏ hoang các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên khai khẩn cày cấy. Vua Tự Đức y lời tấu, cấp ấn “Khâm phái quan phòng” (tạm thừa lệnh vua gìn giữ quan ải) cho Thị độc học sĩ Phan Trung sung Điển nông sứ Thuận - Khánh mộ dân khai khẩn đất hoang 3 tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên. Vua lại dụ rằng, “lũ ngươi hết lòng làm việc cho ổn thỏa, chớ để có điều tiếng sinh ra ngờ gièm, là trung hiếu vẹn cả hai, tấm thân hữu dụng, nên khéo giữ gìn để đợi, triều đình đâu nỡ bỏ đi”.

   Trong tháng 8-1866, Thị độc học sĩ Phan Trung về vùng đất phía Bắc tỉnh Bình Thuận, cùng Doanh điền sứ Nguyễn Văn Phương sửa chữa, làm lại đập Đồng Mãi (Đồng Mới), thuộc tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa, phủ Hàm Thuận (nay thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình). Hoàn thành việc làm đập Đồng Mãi, quan Thị độc về đóng hành dinh, thường trú tại Khánh Hòa khẩn hoang ba tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên.

   Từ năm 1867 đến năm 1884, sử triều Nguyễn chép lại một số việc mà Thị độc học sĩ đã làm với vai trò Điển nông sứ như: cùng quan đầu tỉnh Bình Định xây dựng đồn điền khai thác nguồn lợi, giữ nơi xung yếu vùng thượng du tỉnh này (tháng 7-1870); tiến cử triều đình một số quan lại “có tiết tháo liêm chính, hiếu hạnh đáng khen” để trọng dụng, bổ nhiệm (tháng 5-1874); cùng quan Bố chánh Bình Thuận Nguyễn Thông xử trí việc người Man (đồng bào bản địa) bạo động (năm 1879); tiến cử triều đình sử dụng nhóm người trong Nam Kỳ chạy ra Bình Thuận (tháng 3-1882)… Cuối cùng, “Huyện Chánh (tức Phan Cư Chánh, Phan Trung từng làm tri huyện) qua đời ngày 20-12-1884, tại dinh thự thường ngày của ông ấy ở Khánh Hòa, trên vịnh Ninh Hòa hay Bình Cang. Ông được an táng về phía đông Ba Ngòi, tại vịnh Cam Ranh”(8).

   Viện Cơ mật và hoạt động thu thập tin tức tại Nam Kỳ

   Năm 1834, để giải quyết các việc trọng sự của đất nước, vua Minh Mạng thành lập Viện Cơ mật do Tứ trụ đại thần đứng đầu (Cần chánh điện Đại học sĩ, Văn minh điện Đại học sĩ, Võ hiển điện Đại học sĩ, Đông các điện Đại học sĩ). Đây là hội đồng tư vấn tối cao cho nhà vua về hoạch định chiến lược, bang giao, phát triển đất nước, giám sát công việc triều đình, bảo quản tài liệu tối mật… Năm 1836, Viện Cơ mật chia làm hai ban: Nam chương kinh (sau đổi thành Nam ty) phụ trách từ Quảng Bình vào các tỉnh phía Nam, Bắc chương kinh (sau đổi thành Bắc ty) phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc.

   Từ năm 1862, tình hình thời cuộc đã biến Bình Thuận – dải đất ven biển cực nam Trung Kỳ xa xôi, trở thành nơi tuyến đầu biên cương, phòng thủ quan trọng của triều Nguyễn đối với Pháp ở Nam Kỳ. Đất trời Tam Phan (Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang) trở thành nơi quy tụ một số sĩ phu, nghĩa sĩ từ Nam Kỳ lục tỉnh ra, cũng như tập hợp nhiều quan lại từ kinh đô Thuận Hóa vào đây hoạt động chống Pháp. Để chỉ huy, điều hành lực lượng quan lại, sĩ phu, nghĩa sĩ tại vùng đất giáp giới Nam Kỳ này, triều đình ngầm cử một người đứng đầu, không ai khác đó chính là Thị độc học sĩ Phan Trung.

   Dưới góc nhìn của người Pháp, Phan Trung được triều đình trao cho quyền rất lớn ở phía Nam. “Ông ấy đã được triều đình ban cho quyền lực gần như vô hạn để lập ra các biên giới quân sự, chiếm đất hoang hoặc không được ghi trong sổ bạ, qui tụ người dân chưa đăng ký ở các làng, lập các đồn trên núi và đón nhận đông đảo những người yêu nước ở Nam Kỳ thuộc Pháp, là những người theo dự đoán của ông, sẽ trốn khỏi ách đô hộ ghê tởm của Pháp để đến lánh nạn ở Bình Thuận. Ông ấy đã có vài thất vọng về điểm cuối cùng này, nhưng phẩm chất của những người bỏ trốn đã bù trừ cho số lượng”(9).

   Mọi tin tức thu thập tại Nam Kỳ được Thị độc học sĩ Phan Trung chuyển về Nam ty Viện Cơ mật, để từ đó trình tấu lên vua Tự Đức xin ý chỉ. Điểm qua một vài chỉ, dụ mật của triều đình, các tấu sớ từ Bình Thuận gửi về kinh đô Thuận Hóa, phần nào thể hiện công việc “tình báo chiến lược” ở phương Nam: xây dựng mạng lưới và nắm tình hình tại Nam Kỳ.

   Tháng 11-1866, Viện Cơ mật có thư gửi Thị độc học sĩ Phan Trung bàn việc “viết báo” gửi các nơi “tố cáo người Pháp”. Theo đó, quan Thị độc học sĩ thay mặt nhân sĩ Nam Kỳ lục tỉnh viết lời tố cáo người Pháp: nhân dân Nam Kỳ không cam chịu để Pháp cai quản nhưng tướng Pháp đều báo về nước họ cai trị yên ổn; Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông, lại muốn lấy tiếp 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ; việc làm không thuận lòng dân… Nội dung soạn xong gửi về kinh đô Thuận Hóa, được Viện Cơ mật duyệt và sửa chữa rồi tấu trình lên vua Tự Đức châu điểm, sau đó chép thành chữ Hán 10 bản và dịch ra chữ La tinh 10 bản để gửi cho các nước Anh cát lợi (Anh), Phú lãng sa (Pháp), Y pha nho (Tây Ban Nha) và Đại Thanh.

   Sau khi Pháp chiếm trọn Nam Kỳ lục tỉnh, tháng 7-1867, Viện Cơ mật tâu lên vua Tự Đức xuống dụ, phái một nhóm mật sứ mang thư khẩn cấp vào Thuận - Khánh (gặp Phan Trung); từ Bình Thuận, họ sẽ cải trang vào Gia Định và Vĩnh Long để theo dõi tình hình Nam Kỳ. Thị độc học sĩ sung Điển nông sứ Phan Trung (lúc này vừa hoàn thành xây dựng đập Đồng Mới) được lệnh không đi theo vào Nam Kỳ mà ở lại Bình Thuận, và các quan tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa tăng cường lực lượng canh gác ở các đồn lũy, hải khẩu(10)

   Theo chỉ dụ của triều đình, quan Thị độc đón nhận, xem xét và bẩm báo về Thuận Hóa (qua Viện Cơ mật) tình hình những sĩ phu Nam Kỳ ra Bình Thuận tị địa mà mình từng quen biết trước đây ở Gia Định như Nguyễn Thông, Trương Gia Hội, Trà Quý Bình… Như bản tấu sớ tháng 1-1868 của ông có đoạn: “... nhóm người hiện đến tỉnh Bình Thuận là nguyên lãnh tri phủ phủ Hoằng Trị Trương Gia Hội, người tỉnh Gia Định, viên ấy là người tài giỏi, thận trọng, lưu lại làm việc ở nơi đó (tức Bình Thuận) chờ sau tùy cơ ủy thác làm việc, thay lãnh Tri phủ phủ Ninh Thuận…”(11). Hoặc bản tấu tháng 11-1879,  có nội dung: “…thần xét thấy trong các năm Thiệu Trị, Tự Đức, thần đợi tội ở huyện Tân Thạnh thuộc tỉnh Gia Định và có đến mộ nghĩa đã trải qua nhiều năm. Trong thời gian đó có giao tiếp với các sĩ nhân người Nam hiện đang làm quan là nguyên tịch Cử nhân Nguyễn Thông lãnh Bố chánh sứ tỉnh Bình Thuận, hiện đang bị bệnh ở ngoài;…Tú tài Trà Quý Bình nguyên lãnh Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi, can án chưa xong hiện ngụ tỉnh Khánh Hòa đợi án”(12).

   Tháng 1-1868, Thị độc học sĩ dâng sớ lên vua Tự Đức, xin cử người vào tìm gặp các hào mục ở Nam Kỳ lục tỉnh “hiểu dụ” (nói cho hiểu rõ) ý định của triều đình chờ đợi thời cơ đánh Pháp, đồng thời ngầm cho người liên kết với nhà buôn nước Đại Thanh mua vũ khí, đạn dược tàng trữ chờ thời cơ phản công. Tri phủ Ninh Thuận Lê Đạo và con trai là Phó quản cơ Lê Phiên (quê quán Vĩnh Long) được lệnh giả bệnh từ quan, ngầm trở về Vĩnh Long, Định Tường kêu gọi hào mục liên kết với nhau, chuẩn bị vũ khí, quyên góp tiền bạc, chờ đợi thời cơ. Quan Thị độc còn cử 3 quan lại tỉnh Bình Thuận (Đốc học Nguyễn Chánh Tâm, Trước tác Nguyễn Hữu Hoán, Tú tài Nguyễn Sĩ Nghị) ngầm liên lạc với thương buôn nước Đại Thanh mua súng đạn. Thuyền chở vũ khí đi đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận tìm bến vắng vẻ đem lên cất giấu rồi mật tin cho các quan đầu tỉnh cử người ngầm đến nhận.

   Giữa tháng 10-1868, Viện Cơ mật gửi quan Thị độc mật dụ, quân Pháp ở gần bên cạnh nên không thể lơ là việc dò xét, phải thường xuyên phái người đi do thám. Những việc nghe thấy trong Nam Kỳ lục tỉnh phải có người, có việc cụ thể rõ ràng. Cuối tháng 10-1868, Viện Cơ mật tâu lên vua Tự Đức mật thư nhận được từ phương Nam, báo cáo tình hình quân Pháp có ý muốn gây hấn, tuy chưa rõ ràng nên để “Phan quý chức” thám xét lại cho chính xác. Nếu đúng như vậy thì tung người bí mật vào Nam Kỳ lục tỉnh báo cho hào mục, nghĩa sĩ được biết, chuẩn bị hành động.

   Tháng 8-1870, Viện Cơ mật dâng vua Tự Đức bản tấu, Thị độc học sĩ phái quan Kinh lịch Khánh Hòa Phạm Đình Thực (người Gia Định) giả bệnh về quê thăm dò tình hình và tìm chỗ ở của Trương Tuệ (tức Trương Quyền, con trai Trương Định). Xin vua chuẩn y đề nghị để quan Kinh lịch sớm về quê điều tra thăm dò tình hình cho rõ ràng. Vua Tự Đức châu điểm đồng ý và châu phê, “không được để xảy ra sự cố”.

   Tháng 11-1870, Viện Cơ mật nhận được báo cáo mật về tình hình Nam Kỳ. Theo đó, Thị độc học sĩ đã cử hai thám báo Phan Văn Thiểu, Lê Quang Xương ngầm vào Gia Định gặp được nghĩa binh Huỳnh Trí Viễn cho biết nước Pháp đang có biến, bị liên quân các nước vây đánh (chiến tranh Pháp - Phổ cuối năm 1870). Tháng 7-1871, Thị độc học sĩ báo tin về kinh, tình hình quân Pháp có ý muốn đánh ra Bình Thuận, để làm bàn đạp chiếm Bắc Kỳ. Viện Cơ mật tâu vua Tự Đức và xin mật dụ cho quan tỉnh Bình Thuận thường xuyên đẩy mạnh hoạt động thám báo tình hình, cũng như chuẩn bị phòng giữ nghiêm ngặt, tùy cơ giải quyết.

   Như vậy, điểm qua nội dung một số Châu bản, đã thể hiện Thị độc học sĩ Phan Trung trực tiếp làm công việc mang tính chất một nhà “tình báo chiến lược” dưới vỏ bọc “khẩn hoang”. Để gánh vác trọng trách, ông được triều đình trao quyền lực rất lớn, đứng trên cả các quan đầu tỉnh phía Nam. Ông đã âm thầm, lặng lẽ đem hết sức lực góp vào công việc thu thập tin tức của Pháp, góp phần vào công cuộc kháng Pháp thời kỳ đầu của đất nước.

   Vĩ thanh

   Nhằm mục đích biết để cai trị, công sứ Bình Thuận Aymonier sau khi nhận chức đã bỏ công sức nghiên cứu, tìm hiểu, ghi chép về con người, khí hậu, thổ nhưỡng, dịch lộ… vùng đất này thành hai tập du ký: Notes sur L’Annam, I Le Binh ThuanNotes sur L’Annam, II Le Khanh Hoa. Qua đó, ông ta đã phát hiện ra thân phận, cũng như biết được một phần nào đó công việc quan “Le Thi Doc” ở vùng đất phương Nam. “Thị độc, quan lớn ở phía Nam, một trong những trụ cột của vương triều, cấp trên về phẩm tước đối với các quan tổng đốc là những người có nhiệm vụ phải phục tùng, chịu ảnh hưởng, hoặc mệnh lệnh của ông ấy (tức Phan Trung), chiếm lấy, bằng mưu mẹo hoặc bằng bạo lực, những vùng đất rộng lớn, của các làng xã hoặc tư nhân tại ba tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên”(13).

   Nhưng có phải Thị độc học sĩ Phan Trung làm công việc khẩn hoang như viên công sứ Aymonier tìm hiểu được (?). Qua đây cũng cho thấy ý thức bảo mật thông tin tình báo của vua quan triều Nguyễn lúc giờ cũng như cho đến sau này đạt hiệu quả cao. Người Pháp mặc dù đã chú tâm nghiên cứu, tìm hiểu về thân thế và quá trình hoạt động của Thị độc học sĩ Phan Trung, cũng như bộ máy hoạt động thu thập tin tức dưới sự điều hành của Viện Cơ mật, nhưng cuối cùng, cũng chỉ biết được công việc khẩn hoang, xây dựng đồn điền, tập trung binh lính…; chứ không thể tìm ra được một chút manh mối nào khác.

   Không những người Pháp thu thập tin tức về Phan Trung hạn chế, mà còn sau này hậu thế khi nghiên cứu về ông cũng nhầm lẫn. Sách Lịch sử Việt Nam (1858 - cuối XIX) viết, “Phan Chỉnh lãnh đạo kháng chiến ở Giao Loan, nằm giữa Bà Rịa và Bình Thuận ngày nay. Sau ông này bị dụ dỗ và đã đầu hàng Pháp”(14). Tập sách Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, dẫn lại từ sách đã nêu như sau: “Sau khi Trương Định mất, Phan Chỉnh rút về Giao Loan (Rừng Lá, ranh giới Biên Hòa - Bình Thuận) xây dựng căn cứ… Căn cứ Giao Loan bị thất thủ. Phan Chỉnh rút chạy, một thời gian sau ra hàng giặc Pháp”(15). Ngoài một số danh tích đã nêu, Thị độc học sĩ không có danh tính là Phan Chỉnh. Điều đáng tiếc hơn, khi các tài liệu này đã gán cho ông “bị dụ dỗ”, “đầu hàng Pháp”.

   Hoạt động thu thập tin tức đối phương của vua Tự Đức và quan quân nhà Nguyễn đáng để quan tâm, nghiên cứu thấu đáo, rõ ràng và sâu kỹ hơn. Vì đó là công việc hết sức cần thiết diễn ra trong thời điểm binh đao tao loạn. Qua đó, cho dù phê phán triều Nguyễn như thế nào trong thời kỳ đầu cuộc chiến chống Pháp, thì cũng phải thừa nhận rằng, đã từng có lúc vua Tự Đức và Cơ Mật viện có động thái tích cực trước sự xâm lược của Pháp. Chỉ đáng tiếc trước súng đạn phương Tây, cùng với “tư tưởng chủ hòa” của triều Nguyễn, sự thiếu kiên quyết trong đường lối đánh Pháp của vua Tự Đức, đất nước phải chìm trong khói lửa binh đao gần một trăm năm.      

 

-------------------------
(1) Đại Nam là Quốc hiệu của Việt Nam từ thời vua Minh Mạng đến hết thời vua Bảo Đại của nhà Nguyễn (1839-1945). 
(2) Lưu Anh Rô: Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (1858-1860), Nxb, Đà Nẵng, 2019, tr. 266. 
(3) Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam tập 6 (1858-1896), Nxb. Khoa học xã hội, tr.105. 
(4) Étienne Aymonier: Notes sur L’Annam, I Le Binh Thuan, Saigon Imprimerie Coloniale 1885, tr.68. 
(5) Tôn Thất Cổn: L’Annam ses grands hommes a travers les provinces, Imprimerie Vien De, 1943, tr.4.
(6) Tập san Sử Địa, số 3-1966, tr.109.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, tập 4, Nxb, Thuận Hóa, 2006, tr. 271-273. (Kế trì cửu là lối đánh du kích, ngày ẩn nấp, đêm bất ngờ tập kích làm tiêu hao binh lực địch, chờ thời cơ sẽ tổ chức đánh lớn).
(8) Étienne Aymonier: Notes sur L’Annam…, đã dẫn, tr.71.
(9) Étienne Aymonier, Notes sur L’Annam…, đã dẫn, tr. 69.
(10) Phan Thị Minh Lễ, Pierre Ph. Chanfreau: Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại, Nxb. Hà Nội, 2019, tr. 261.
(11) Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp, Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn, Nxb. Hà Nội, 2020, tr. 245.
(12) Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp, Cuộc kháng chiến chống Pháp…, sđd, tr. 275.
(13) Étienne Aymonier, Notes sur L’Annam…, đã dẫn, tr. 69.
(14) Hoàng Văn Lân - Ngô Thị Chính:  Lịch sử Việt Nam (1858-cuối XIX), Nxb Giáo dục, 1979, tr.80.
(15) Nhiều tác giả: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Nxb Đồng Nai 1998, tr.243.