HUYỀN TRÂN
Lễ trưởng thành của người Chăm Bà ni ở Bắc Bình. Ảnh: VĂN ANH
Lễ trưởng thành của người Chăm Bà ni được bảo tồn nguyên hiện trạng cho đến ngày hôm nay. Đây được coi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất, bởi đây là thời điểm chuyển tiếp tuổi trưởng thành của thanh niên nam nữ để chuẩn bị bước vào tuổi hôn nhân và họ được cả cộng đồng làng, tôn giáo công nhận mình đã lớn.
Khi nghe được tin tại làng Chăm thôn Cảnh Diễn, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình tổ chức lễ trưởng thành cho thanh niên thanh nữ là con cháu của mình. Chúng tôi lại có dịp tham dự lễ trưởng thành là một trong những nghi lễ quan trọng, đặc sắc và ấn tượng bởi khi đó các chàng trai, cô gái được cả cộng đồng làng xóm, được tôn giáo của mình công nhận là người đã trưởng thành.
Chúng tôi tìm đến gia đình anh Thanh Trọng Tưởng ở thôn Cảnh Diễn, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình khi gia đình anh đang tổ chức Lễ trưởng thành dành riêng cho con gái mình và cũng trong dịp này các gia đình khác có con trai, con gái từ 10 đến 15 tuổi sẽ xin gia chủ cho con cái mình theo làm cùng. Hỏi về Lễ trưởng thành của người Chăm Bà ni, anh Thanh Trọng Tưởng vui vẻ nói: Lễ thường do nhiều gia đình trong dòng tộc cùng tổ chức chung. Số thiếu nữ được làm lễ trưởng thành trong một lần phải là số lẻ như 5 hay 7 người. Trước làm nhiều ngày, nhưng giờ chỉ làm trong 3 ngày đầu tuần. Trong 2 ngày đầu, các gia đình chuẩn bị lễ vật, làm bánh trái truyền thống, dựng rạp đãi khách, rạp làm nhà lễ chính, rạp dành cho nữ và 1 rạp dành cho nam. Rạp dành cho nữ phải đối diện với rạp làm lễ chính thức theo phong cách truyền thống, để làm nơi tổ chức lễ trưởng thành.
Trong ngày đầu tiên, vào một buổi sáng các thiếu nữ được bà bóng dắt đi tắm. Nghi thức này được tiến hành ngoài trời. Họ xếp thành một hàng dọc theo thứ tự, người đi đầu là bà bóng, người thứ hai nối tiếp là con gái của gia chủ và tiếp theo là những người con của những gia đình khác trong làng xin làm lễ cùng. Các thiếu nữ được tập trung lại để làm lễ thánh tẩy, nghi lễ này trước đây phải thực hiện dưới sông, nhưng nay do sông xa, để thuận tiện cho nghi thức thì người chủ lễ chọn một nơi trống trong làng cho nước vào phi cho đầy rồi dẫn các thiếu nữ ra đó để làm lễ thánh tẩy, vừa đổ nước lên đầu các thiếu nữ bà con vừa đọc kinh thánh cầu nguyện, còn các chàng trai cũng thực hiện y như các thiếu nữ.
Bà bóng Nguyễn Thị Hào, thôn Cảnh Diễn, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình cho hay: khi các thiếu nữ tắm tẩy thể xong, họ lại theo thứ tự ban đầu đi về lại rạp lễ dành cho nữ. Sau đó tiến hành chải tóc và búi tóc lên cao, các cô gái phủ lên người những bộ trang phục truyền thống, với chiếc khăn tua với sắc màu đỏ rực che mặt bước vào lều chính làm lễ. Trong những giây phút này các cô gái được người nhà cho mang nhiều trang sức bằng vàng rất sang trọng. Trong quá trình làm lễ, thì vị chủ trì đọc kinh mời thượng đế và tổ tiên các thiếu nữ về chứng giám. Sau đó thực hiện nghi thức cắt tóc, đặt tên. Điều này thể hiện sự biết ơn đối với đấng sinh thành và lòng tôn kính thánh Alla.
Các thiếu nữ được vị chủ trì lễ làm phép, đọc kinh Koran và cầu khấn cho các cô gái, chàng trai có sức khỏe và có tương lai tươi đẹp. Nghi lễ này có sự chứng giám của bé trai. Theo quan niệm của người Chăm Bà ni, bé trai này là người làm chứng linh thiêng đối với thánh Alla, chứng kiến việc cắt tóc đã hoàn thành để các thiếu nữ chính thức trở thành tín đồ của Bà ni, ông Imưm Lựu Bồ, thôn Cảnh Diễn, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình vui vẻ nói.
Có thể thấy, nghi lễ trưởng thành là một nghi lễ ấn tượng nhất, là thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời khi đánh dấu cột mốc trưởng thành của một người con gái, vốn là một đặc trưng nổi bật của chế độ mẫu hệ Chăm. Ngày nay, vai trò của người phụ nữ Chăm vẫn còn phát huy và được đề cao trong xã hội. Điều này, được thể hiện rõ ràng nhất qua nghi lễ trưởng thành. Nghi lễ trưởng thành mang ý nghĩa giáo dục cộng đồng, tượng trưng cho sự trao truyền văn hóa, sự trao truyền quyền lực của chế độ mẫu hệ từ mẹ sang con, sự kế tục tín ngưỡng truyền thống bao đời của dân tộc Chăm giàu bản sắc.