Đặc điểm về hình thức của tục ngữ Chăm

19/10/2024 00:00
62

VĂN THỊ CHIÊM


Người Chăm là cư dân của vương quốc Champa cổ, văn hóa Champa một thời rực rỡ huy hoàng. Hòa vào nền văn hóa Việt Nam thống nhất, văn hóa Chăm đang hiện hữu cả một kho tàng vô giá, với hàng chục cụm tháp Chàm đứng kiêu hãnh suốt dải đất miền Trung, với gốm Bàu Trúc và Thổ cẩm Mỹ Nghiệp nổi tiếng, với đường cong huyền ảo của vũ nữ Apsara, và cả nền văn học dân tộc, trong đó văn học truyền miệng với tri thức dân gian thể hiện qua tục ngữ là rất đáng kể. Bài viết này trình bày một số đặc điểm về hình thức của tục ngữ Chăm với các dẫn chứng được trích từ công trình của nhà nghiên cứu Inrasara là Ca dao - tục ngữ - thành ngữ - câu đố Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2006.

   1. Tính đa nghĩa của tục ngữ

   Tục ngữ thường ngắn, gọn, súc tích. Mỗi câu tục ngữ đều luôn chuyển tải một “thông điệp” nhất định, có thể nhiều hoặc ít, lớn hay bé đến người tiếp nhận. Để cho mọi người dễ nhớ và dễ áp dụng, tục ngữ các dân tộc nói chung và tục ngữ Chăm nói riêng được thể hiện với những ngôn từ và nghệ thuật đặc thù của thể loại.

   Một câu tục ngữ đều có ít nhất là một nghĩa, những câu có một nghĩa thì hầu hết đều là nghĩa đen, đó thường là những câu phản ánh các nội dung liên quan đến đất nước con người và lịch sử; hoặc những tri thức và kinh nghiệm về khí tượng, thời tiết; hoặc phản ánh những kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt hay các ngành nghề khác. Nhất là các câu về kỹ thuật canh tác hay chăn nuôi thường nghĩa đen mới áp dụng được, ví dụ như câu:

   Lingik glaung ralaiy ikan, lingik hajan bơr mưriah

   “Bầu trời cao lắm cá, ráng hồng tía thì mưa” (trang 173)

   Những câu tục ngữ về đạo đức hay ứng xử xã hội thường mang nghĩa bóng và nghĩa mở rộng và có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy vào ngữ cảnh sử dụng, đó được gọi là tính đa nghĩa. Tính đa nghĩa được xem là một hiện tượng ngôn ngữ thú vị, phản ánh sự phong phú và đa dạng trong cách biểu đạt của ngôn ngữ dân gian. Một sự vật hay hiện tượng gần gũi, cụ thể trong cuộc sống hàng ngày được dùng để nói lên những ý niệm trừu tượng và mang tính khái quát lớn hơn.

   2. Tính ngắn gọn, hàm súc

   Hơn bất kì thể loại văn học dân gian nào, tục ngữ luôn ưa nói ngắn gọn, nó thường loại hết các từ dư thừa để câu văn xuôi thành câu văn vần ngắn đến mức tối đa, càng ngắn càng tốt. Để chỉ con người quá thật thà, người Chăm nói: Tapak đak raung - Thẳng cong lưng. Về sau, người ta bổ sung thêm vế sau cho dễ hiểu: Tapak đak raung gai baung đik akauk - “Thẳng cong lưng, cây vồ đập lên đầu” (139).

   Hoặc câu: Dom blauh dom kadauk (144) nghĩa là “Chuyện đã qua thì thôi”, hay “Chuyện đã qua thì hãy cho qua tất cả”. Dịch nguyên văn phải là: “Bao nhiêu rồi, bấy nhiêu thôi”. Tính ngắn gọn, hàm súc của tục ngữ thể hiện ở việc truyền tải ý nghĩa sâu sắc về kinh nghiệm hoặc triết lý sống chỉ bằng một vài từ ngắn gọn. Qua đó, thấy được dù ngắn gọn nhưng tục ngữ vẫn bao hàm ý nghĩa rộng lớn và có thể được dùng trong nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống.

   3. Phép nhân hóa, so sánh và ẩn dụ

   Tục ngữ Chăm có những câu sử dụng thủ pháp nhân hóa rất độc đáo, nó vẫn tạo được ấn tượng mạnh cho người tiếp nhận. Nhân hóa có thể dùng thú để nói về người:

   Rimaung gamrơm rimaung bbơng asuw, rimaung ppadơp kakuw rimaung bblơng mưnwix - “Cọp gầm to là cọp ăn chó, cọp giấu vuốt mới là cọp vồ người” (170).

   Hay để khuyên răn anh em ruột thịt với nhau dù có chuyện gì xảy ra cũng không thể cắt đứt, người Chăm có câu: Takai jwak aih halei takai kauh klak - “Chân đạp cứt ai nỡ chặt bỏ cái chân” (130).

   Phép so sánh cũng thường được người Chăm sử dụng: Dauk di lok yuw ra nau di danar nghĩa là “Sống trên đời như kẻ đi trên nền đất trơn” (259). Ở đây, dân gian đã so sánh với hình tượng người “đi trên nền đất trơn” dễ liên tưởng đến nguy cơ khó lường trong đời sống, có thể xảy đến lúc nào không ai biết được. Một ví dụ khác về thủ pháp so sánh cũng tạo ấn tượng mạnh với người tiếp nhận: Đom saung mưnwix gila yuw đom saung gai talauk (156) nghĩa là “Nói với thằng khờ như nói với khúc cây khô”.

   Hoặc có khi dân gian dùng lối so sánh ngầm hay còn gọi là phép ẩn dụ. Ví dụ: Brah dalơm padai, hatai dalơm tian nghĩa là “Hạt gạo nằm trong thóc, trái tim bọc trong thân” (121) để răn con cháu sự cần thiết giữ những điều riêng tư của gia đình. Đây là lối nói đầy ẩn dụ, lấy sự vật cụ thể để chuyển tải một thông điệp hàm nghĩa rộng hơn: Chuyện nhà, việc riêng không nên nói ra bên ngoài, người ngoài sẽ lan truyền rồi tam sao thất bản gây hại cho ta.

   Tagei dalah sibơr klah di kaik gơp: Răng với lưỡi làm sao chẳng có lúc va chạm nhau (131). Không so sánh trực tiếp răng là ai, lưỡi là ai, câu tục ngữ vẫn ẩn ý về con người trong cuộc sống không tránh khỏi sự va chạm nhất định.

   4. Nghệ thuật gieo vần

   Để cho tục ngữ có tính nhịp nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc, vần luôn luôn là thủ pháp ưu tiên hàng đầu. Việc sử dụng vần điệu trong tục ngữ không chỉ làm tăng tính thẩm mỹ ngôn ngữ mà còn truyền tải ý nghĩa tục ngữ một cách hiệu quả. Có thể nói hầu hết tục ngữ Chăm đều có vần, được gieo ở nhiều cách thức khác nhau, đa dạng và rất linh hoạt. Từ hiệp vần liền trong một vế và hiệp vần giữa hai từ trong hai vế của một câu: Tapak đak raung, gai baung đik akauk: “Thẳng cong lưng, cây vồ đập lên đầu” (139).

   Trong cùng một vế thì hai chữ tapak và đak hiệp vần với nhau và raung hiệp vần với baung ở vế sau. Còn câu sau: Lipa xara yamưn, trei patei plak “Đói muối ngọt, no chuối chát” (170) thì các từ hiệp vần trong từng vế.  Cách hiệp vần giúp người tiếp nhận nghe một lần có thể nhớ ngay câu tục ngữ.

   Lối gieo vần được người Chăm hay sử dụng là liên vận nối liền hai vế với nhau:

   - Rup nhu jhak, patak nhu siam “Thân hình hắn xấu (mà) tâm hắn tốt” (129);

   - Sang praung, daraung dauk thauh “Cửa nhà lớn rộng, rương tủ trống không”. (129).

   Ngoài ra, người Chăm còn dùng vần cách, từ vần cách một chữ cho đến vần cách hai chữ trong tục ngữ: Hanaik inư takai, pađik hatai abauh “Vấp ngón chân cái, đau nhói trái tim” (132). ‘Takai’ ‘hatai’ cách nhau qua một chữ ‘pađik’, “ngón chân cái” biểu trưng cho người có vai vế lớn trong anh em, thân tộc, “trái tim” tượng trưng cho tình yêu thương của những người thân. Người Chăm đã từ lâu đời rất coi trọng tình gia tộc. Anh em trong nhà phải sống hòa thuận, yêu thương nhau. Đó là đạo đức, là tình cảm mà ai cũng phải quan tâm, đề cao tình cảm sâu nặng của những người trong tộc họ, rộng ra thành tình yêu thương đồng loại, đồng bào.

   Đôi khi ta còn bắt gặp cả cách hiệp vần lưng với vần cuối (vần chân), lối gieo vần này tạo nên sự độc đáo đầy thú vị của tục ngữ Chăm: Birak jak mai, mưraung graung mai “Từ miền ngoài dẫn lại, từ miền trong rủ tới” (112). Với trường hợp cách vần từ hai đến ba chữ thì tục ngữ có hình thức như một câu lục bát Chăm biến thể: Sunuw đơ bauh habei, gru si brei đa ka abih “Bùa bé chỉ bằng củ khoai/ Thầy định cho ai e rằng mất hết” (134).

   5. Thủ pháp chơi chữ, ngoa ngôn

   Ở thể loại văn học dân gian này, người Chăm cũng đã một lần dùng tới thủ pháp chơi chữ. Thủ pháp chơi chữ, một hình thức nghệ thuật ngôn từ tinh tế và sáng tạo. Với thủ pháp nghệ thuật này, trong tục ngữ Chăm có câu: Gang di gru jiơng kra jiơng hwa “Cãi (chống) thầy thành khỉ, thành vượn” là rất điển hình. Câu này có thể hiểu thành hai nghĩa khác biệt. Gang di gru, jiơng kra jiơng hwa “[Ai] cãi (chống) thầy thì thành khỉ, thành vượn”, hay: Gang di gru jiơng, kra jiơng hwa “[Ai mà] cãi (chống) thầy được, thì loài khỉ sẽ trở thành vượn” (133). Thủ pháp chơi chữ trong tục ngữ Chăm không chỉ là một phương tiện nghệ thuật ngôn từ mà còn là một công cụ để truyền tải những tri thức, kinh nghiệm và triết lý sống của người Chăm, không chỉ làm phong phú thêm ngôn ngữ mà còn giúp tục ngữ trở nên dễ nhớ, dễ hiểu và đầy sức sống.

   Cũng cần chú ý đến nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong các tục ngữ Chăm. Người Chăm có khuynh hướng dùng từ hay cụm từ mạnh để tăng cường độ của sự thể cần diễn tả. Để nói lên thói tật luộm thuộm, không dứt khoát của con người, người Chăm có câu: Sa bbơng aih, sa pluh bbơng rau - “Một lần đại tiện, chục bận rửa ráy” (139) cũng là cách nói ngoa ngôn nhằm tăng cường độ mạnh của thông điệp.

   6. Kết luận

   Qua khảo sát chưa đầy đủ, ta thấy tục ngữ Chăm có lối cấu trúc khá thú vị. Nó vừa mang đặc tính chung của tục ngữ như các dân tộc khác, vừa có cái riêng của mình. Chính cái riêng đó góp phần làm cho tục ngữ Chăm dễ tiếp nhận, dễ nhớ và dễ truyền bá. Bên cạnh đó, tục ngữ Chăm góp phần làm giàu thêm nền văn học đa dân tộc và đa vùng miền của đất nước Việt Nam hôm nay. Tục ngữ Chăm là một kho tàng quý giá thâu tóm mọi tri kiến về nhiều lĩnh vực của xã hội Chăm thời xa xưa ông bà để lại. Nhờ vậy mà những con người lao động bình dân có thể rút ra từ trong đó những bài học kinh nghiệm hết sức thiết thực giúp cho họ nhận thức, hành xử và lao động, đặc biệt là phản ánh sự gắn bó của người Chăm với phong tục tập quán của cư dân.

   Trên cơ sở kế thừa, tiếp thu thành tựu của người đi trước, đặc biệt là sử dụng tài liệu tục ngữ từ tuyển tập đã xuất bản của nhà nghiên cứu Inrasara, chúng tôi mạnh dạn khẳng định những đặc điểm cơ bản của tục ngữ Chăm. Từ tính đa nghĩa, tính ngắn gọn đến các thủ pháp nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, nghệ thuật gieo vần, thủ pháp chơi chữ là những đặc điểm dễ nhận thấy khi nghiên cứu tục ngữ Chăm, đặc biệt là về phương diện hình thức.