Nghệ thuật hát ngâm Hari của người Raglai

20/10/2024 00:00
49

LÂM TẤN BÌNH


Trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Raglai ở Bình Thuận, loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ rất phong phú và đa dạng, trong đó độc đáo nhất là nghệ thuật diễn xướng hát ngâm Hari vẫn được đồng bào lưu truyền đến ngày hôm nay.

   Hari có nghĩa là “rung cảm” là một loại hình sáng tạo nghệ thuật hát ngâm, hát kể và hát nói ngẫu hứng truyền miệng của đồng bào Raglai gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc lao động trên nương rẫy. Trong sinh hoạt văn hóa dân gian, thông qua lao động, người Raglai luôn mượn nghệ thuật hát ngâm Hari để bày tỏ cảm xúc, lời tự tình của mình để gửi gắm tâm tư, chia sẻ với người nghe. Tiêu biểu như làn điệu Masuh (kể về thần thoại), làn điệu Kalin (kể về chiến tranh) làn điệu Cei Pabaiy (chuyện tình chàng Dê), làn điệu Mik nai (đức hạnh và vẻ đẹp của người phụ nữ), làn điệu Dam Dara (tình yêu đôi lứa), làn điệu Aluer Anak (vui đùa ru con) làn điệu Rambah (than thân), làn điệu Jalaow Jalai (thế thái nhân tình)…

   Từ giai đoạn thập niên 1980 trở về trước, có rất nhiều nghệ nhân lớn tuổi ở các làng Raglai trong tỉnh Bình Thuận am hiểu những làn điệu hát ngâm này một cách thông thạo. Vào các dịp Lễ cúng lúa Mẹ đầu năm hay lễ cưới hỏi con cái giữa hai bên họ hàng sui gia, họ thường xuyên tụ họp cùng nhau để ngâm hát Hari tự tình sau khi men say rượu cần đã ngấm. Trong đó có nghệ nhân Đào Thị Phân ở xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình là thế hệ kế thừa nắm giữ được tất cả các làn điệu Hari qua cảm xúc truyền miệng của những nghệ nhân đi trước và có giọng ngâm rất đặc sắc. Vào năm 2014, khi được dịp trở lại xã Phan Lâm vào dịp ngày hội tết đầu lúa ( mbeng Akaok Padai), Tôi tranh thủ đến thăm nghệ nhân Đào Thị Phân tại nhà ở thôn 1, xã Phan Lâm, lúc đó bà khoảng 50 tuổi để xin ghi âm làn điệu Hari Cei Pabaiy (Chàng Dê). Khi nghệ nhân Đào Thị Phân cất giọng ngâm lên thì rất nhiều người dân đi ngoài đường đều dừng chân lại để lắng nghe, các em nhỏ thì chạy ùa vào để được xem bà diễn xướng. Bởi lẽ giọng hát ngâm của Bà rất trong trẻo, vang xa cùng làn điệu Hari mang nội hàm ai oán, nức nở, giọng ngâm kéo dài đến gần 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa dứt, có lẽ các làn điệu và nội dung Hari đã nằm sẵn trong trái tim của bà. Qua cách thể hiện giọng ngâm điêu luyện và tâm tình của nghệ nhân Đào Thị Phân, bà nói: Tôi học hát ngâm Hari từ giọng ngâm của cha mẹ khi Tôi mới lọt lòng nằm trong nôi, lâu dần nó thấm vào đầu nên tôi đã nhớ hết các làn điệu Hari của ông bà để lại. Thật vậy, đồng bào Raglai không có chữ viết, những người lớn tuổi trước đây không có điều kiện để học chữ phổ thông, cho nên hầu hết các làn điệu văn hóa nghệ thuật và lễ nghi muốn dạy lại cho thế hệ kế thừa cũng chỉ bằng phương pháp truyền miệng và cảm âm là chính, do vậy các nghệ nhân phải thật sự đam mê và có năng khiếu đặc biệt mới dễ tiếp thu.

   Chính từ khả năng đặc biệt của nghệ nhân Đào Thị Phân về loại hình hát ngâm Hari, cho nên hàng năm Ban tổ chức ngày hội Văn hóa thể thao 4 xã miền núi huyện Bắc Bình đều mời bà lên biểu diễn phục vụ công chúng được đông đảo khán giả khen ngợi. Bắt nguồn từ đây, hát ngâm Hari được chọn đưa vào chương trình văn nghệ dân gian của ngày hội miền núi là một loại hình nghệ thuật dự thi của các đơn vị kể từ năm 2000 để làm động lực kích thích lực lượng nghệ nhân tham gia và trao truyền lại cho thế hệ kế thừa để góp phần cho nhiệm vụ bảo tồn và phát huy.

   Tuy nhiên, phong trào hát ngâm Hari được khơi dậy trong chương trình ngày hội miền núi chỉ được 5 năm, đến nay lại bị thất truyền, không còn đủ số nghệ nhân để tổ chức thi. Nguyên nhân một số nghệ nhân lớn tuổi nắm giữ loại hình Hari này đã mất đi chưa kịp trao truyền cho giới trẻ, chính quyền địa phương lại thiếu quan tâm đến phong trào, giới trẻ thì đang bị cuốn hút theo trào lưu của âm nhạc hiện đại, giật gân, sẵn sàng quay lưng với giá trị nghệ thuật truyền thống của cha ông đã dày công sáng tạo.

 

Nghệ nhân Đào Thị Phân đang truyền dạy hát ngâm Hari tại nhà cho thế hệ kế thừa.

   Bằng ý thức, trách nhiệm của một người có tâm huyết với văn hóa dân tộc. Trong thời gian qua, nghệ nhân Đào Thị Phân đã tự nguyện trong cách làm, chủ động đề xuất với Hội phụ nữ xã cùng bà đi vận động chị em phụ nữ trong làng sắp xếp thời gian công việc đến trực tiếp nhà Bà để theo học hát ngâm. Nhờ vậy, bà đã trao truyền cho thế hệ kế thừa hơn 10 chị em phụ nữ, trong đó đặc biệt nhất là học viên Đào Thị Tha cháu ruột của Bà đã từng đạt giải cao trong ngày hội miền núi. Việc làm của nghệ nhân Đào Thị Phân đã góp phần kịp thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai mà không phải người nào cũng nhận thức và làm được như thế.

   Hiện nay, trước tác động ảnh hưởng của môi trường xã hội theo xu hướng đan xen, tiếp thu của văn hóa phương tây, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai đang dần biến đổi theo lối sống hiện đại, thế hệ trẻ ít có cơ hội và điều kiện tiếp cận nghệ thuật hát ngâm Hari để phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần. Chính vì thế hầu hết các làng của đồng bào Raglai trong tỉnh còn rất ít người nắm giữ loại hình nghệ thuật hát ngâm Hari này. Hiện nay, trong 4 xã miền núi huyện Bắc Bình, chỉ còn lại xã Phan Lâm còn cố gắng duy trì phong trào hát ngâm Hari trong dịp lễ tục của các tộc họ tại địa phương, đó cũng nhờ công vận động giáo dục và trực tiếp trao truyền tại nhà của nghệ nhân Đào Thị Phân.

   Do vậy các ngành chức năng chuyên môn của Nhà nước nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương phải kịp thời quan tâm cần có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân có tâm huyết để động viên tiếp tục trao truyền cho thế hệ trẻ kế thừa, góp phần ngăn chặn nguy cơ mai một đối với nghệ thuật hát ngâm Hari đặc sắc này.