Bảo tàng tỉnh mở lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống Chăm

22/08/2024 12:52
155

LÂM TẤN BÌNH


Học viên trình diễn tiết mục hòa tấu nhạc cụ báo cáo kết quả lớp học tại buổi bế giảng

 

Nhằm góp phần kịp thời đào tạo lực lượng nghệ nhân trẻ kế thừa, làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy vốn loại hình nhạc cụ truyền thống Chăm trước thực trạng đang có nguy cơ mai một tại các làng Chăm trong tỉnh hiện nay. Mới đây, Bảo tàng tỉnh phối hợp với UBND xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức mở lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống Chăm, gồm trống Ginang và kèn Saranai cho con em người Chăm thuộc xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc.

   Lớp truyền dạy nhạc cụ Chăm đã diễn ra trong 20 ngày (từ 24/4- 10/5), có 21 học viên trẻ, từ 14 -15 tuổi, trong đó có 2 học viên nữ.  Đây là lớp nhạc cụ truyền thống Chăm đầu tiên của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 tại tỉnh Bình Thuận theo đề án 6 “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

   Loại hình nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm bao gồm trống Ginang và kèn Saranai là một bộ môn mang nội hàm kỹ thuật rất cao được thể hiện bằng đôi tay, trí óc, hơi thở và cả tình cảm tâm hồn của nghệ nhân nên rất khó tiếp thu tập luyện, đòi hỏi học viên phải có năng khiếu, kiên trì và thật đam mê dành nhiều thời gian tập luyện mới tiếp thu được hết trên 72 điệu Ginang và 9 giai điệu Saranai mới sử dụng được thành thạo, hoàn chỉnh cho các loại lễ múa Rija theo tín ngưỡng dân gian của người Chăm còn lưu giữ hàng năm hiện nay, cụ thể như Rija nâgar (lễ múa đạp lửa đầu năm), Rija Harei (lễ múa ban ngày tại gia đình), Rija Dayuw (lễ múa ban đêm) và Rija Praong (lễ múa lớn của cả tộc họ theo định kỳ từ 10 đến 20 năm trả nợ 1 lần).

   Dù lớp học diễn ra trong thời gian ngắn chỉ 20 ngày, nhưng dưới sự hướng dẫn tận tình truyền dạy của nghệ nhân Ưu tú Lâm Tấn Bình và nghệ nhân Mã Châu Sa, hơn 90% số học viên trẻ đều đạt được yêu cầu của lớp học đặt ra, nắm bắt được cách vỗ Ginang để tạo ra được 4 thang âm chính hỗ trợ cho kỹ năng hòa âm rất nhuần nhuyễn và độc đáo theo từng điệu thức của nó, điều đó được chứng minh qua tác phẩm hòa tấu nhạc cụ bằng 5 giai điệu được hòa âm phối khí từ chậm cho đến nhanh do các học viên thể hiện trước ngày bế mạc lớp học cũng như kết quả được thể hiện của nhóm học viên qua kỹ năng biểu diễn tại buổi giao lưu trải nghiệm với nhóm nhạc cụ truyền thống của tỉnh Ninh Thuận phục vụ khai thác du lịch tại di tích quốc gia đặc biệt Tháp Po Klaong Girai vào ngày 4 và 5/5/2024 đã tạo được dấu ấn thân thiện với du khách thập phương, rất đáng biểu dương khen ngợi. Cuối khóa học tất cả 21 học viên đều nhận được giấy chứng nhận của Ban tổ chức lớp học.

   Có thể nói rằng, số học viên theo học lần này đa phần sẽ được phát huy trong tác dụng phục vụ tốt cho các lễ thức tín ngưỡng dân gian theo hệ thống lễ múa Rija tại các làng Chăm sau này. Đó cũng là nhờ ứng dụng phương pháp truyền dạy tiên tiến theo giáo trình đã biên soạn cho cả 2 loại nhạc cụ Ginang và Saranai, đã góp phần cho khóa học được thành công tốt đẹp, nếu như truyền dạy theo phương pháp truyền thống cổ xưa thì thời gian đặt ra 20 ngày cho lớp học nhạc cụ truyền thống thì chắc chắn sẽ không đạt được yêu cầu đặt ra.

   Lớp truyền dạy nhạc cụ Chăm mở tại Phan Rí lần này là động lực để tiếp tục lan tỏa cho các lớp học tiếp theo tại các xã Chăm còn lại trong tỉnh theo Kế hoạch của Bảo Tàng tỉnh Bình Thuận. Sau khóa học, với tình cảm và trách nhiệm của Ban tổ chức lớp học và người truyền dạy đều dặn dò, mong muốn các em học viên khi trở về nhà nên dành nhiều thời gian để cùng nhau tiếp tục ôn luyện, nhất là vào các dịp lễ hội Rija tại địa phương để được tiếp tục học hỏi thể nghiệm và nắm giữ theo hướng bền vững, để không phụ lòng sự quan tâm đặc biệt của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận là đơn vị chuyên môn chủ quản luôn trăn trở trước thực trạng nguy cơ mai một đối với loại hình nhạc cụ truyền thống Chăm hiện nay.

   Trong xu hướng xã hội phát triển hiện nay đan xen giữa việc giữ gìn phát huy văn hóa dân tộc và việc giao thoa tiếp thu văn hóa thời đại đòi hỏi phải có sự nhận thức sâu sắc và thể hiện trách nhiệm của chính chủ thể văn hóa hiện tại và cả tương lai, phải biết nâng niu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình đi đúng hướng trước Chủ trương quan tâm của Đảng và Nhà nước chứ không có ai làm thay mình được.